Để giảm chi phí, trốn đóng BHXH, nhiều doanh nghiệp đã "lách luật", áp dụng hình thức hợp đồng kinh tế, thuê khoán thay vì hợp đồng lao động
Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1-1-2018, người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1-3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ và công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Thiệt thòi cho người lao động
Trước đây, khi ký kết HĐLĐ thời vụ đối với NLĐ, doanh nghiệp (DN) thường khoán trọn một cục (tiền lương), trong đó đã bao gồm các khoản về chế độ BHXH, BHYT và bản thân NLĐ phải tự lo liệu. Quy định đóng BHXH bắt buộc cho lao động thời vụ vừa mở rộng diện bao phủ BHXH vừa hạn chế thực trạng từ các DN ký hợp đồng dưới 3 tháng để né luật, trốn đóng BHXH cho NLĐ.
Ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết quy định về BHXH bắt buộc đối với lao động ngắn hạn đòi hỏi DN phải chi trả thêm một khoản kinh phí. Bên cạnh những DN tuân thủ quy định của Luật BHXH, còn nhiều DN lách luật bằng cách chuyển đổi thành hình thức giao kết hợp đồng: từ HĐLĐ thành hợp đồng thuê khoán. Kiểm tra tại nhiều địa phương, cơ quan bảo hiểm xác nhận có tình trạng DN ký hợp đồng "bằng miệng" đối với NLĐ. Ngoài ra, có tình trạng nhiều DN còn có thêm chiêu khác, đó là khoán sản phẩm. Thay vì trực tiếp đến công ty làm việc, NLĐ nhận sản phẩm về nhà xử lý. Với hình thức này, rất nhiều DN dù luôn sử dụng hàng trăm lao động nhưng hầu như không đóng BHXH, BHYT cho người nào hoặc chỉ đóng cho một số lao động.
Lao động tham gia BHXH nhằm bảo đảm an sinh lâu dài Ảnh: Đức Tùng
Đại diện cơ quan bảo hiểm cho hay hiện tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra một cách ồ ạt, khiến NLĐ mất trắng quyền lợi BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, NLĐ cũng không hiểu rõ về chế độ BHXH, BHYT nên không đấu tranh đòi quyền lợi cho chính mình. Vì vậy, hình thức khoán sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc NLĐ phải ôm rủi ro. Nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật thì họ phải tự bỏ tiền túi ra chi trả, chưa kể khi về già cũng không có chế độ gì.
Điều chỉnh chính sách sát hơn
Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam, cho biết cả nước có khoảng 2 triệu NLĐ có HĐLĐ từ 1-3 tháng. Tới tháng 5-2018, cả nước mới có trên 8.000 NLĐ có hợp đồng từ 1-3 tháng tham gia BHXH. Ngoài việc chuyển đổi hình thức giao kết để trốn đóng BHXH, ông Mai Đức Thắng cho biết BHXH Việt Nam đã phát hiện cả việc lách luật thông qua việc ký HĐLĐ với NLĐ làm việc trên 3 tháng nhưng chỉ ghi trên giấy tờ với thời hạn 2 tháng 28 ngày…
Trước thực tế trên, ông Mai Đức Thiện cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung về loại hình HĐLĐ. Bên cạnh đó, phải làm rõ khái niệm về khoán việc cũng như thuê khoán… vốn chưa được đưa vào trong Luật Lao động nhưng đã tồn tại trong thực tế từ nhiều năm qua.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cũng đề nghị sớm sửa đổi quy định về loại hình HĐLĐ nhằm tăng cường giải pháp chống trốn đóng BHXH. Điều 16 của Luật Lao động năm 2012 quy định 2 loại hình giao kết HĐLĐ theo văn bản hoặc lời nói. Nhưng trên thực tế đã và đang tồn tại việc giao kết còn thông qua hình thức khoán sản phẩm… Đây là kẽ hở để người sử dụng lao động có thể lách luật bằng cách khoán công việc nhằm tránh việc giao kết hợp đồng có thời gian cụ thể.
Theo ông Liệu, người sử dụng lao động sẽ lợi dụng hình thức khoán việc vì chưa nêu rõ về thời gian thực hiện công việc. "Đơn cử như việc chủ sử dụng lao động khoán việc với NLĐ cùng thù lao là 3 triệu hoặc 5 triệu đồng/vụ việc. Nếu áp dụng theo quy định của luật về thời gian, hình thức giao kết HĐLĐ và chỉ quan tâm tới việc DN không đóng BHXH cho NLĐ sau ngày làm việc thứ 14 thì dứt khoát sẽ bỏ sót việc thu BHXH của trường hợp trên" – ông Liệu phân tích.
Có thể bị phạt tù đến 7 năm Đại diện BHXH Việt Nam cho biết từ năm 2018, khi Bộ Luật Hình sự có hiệu lực thì đối với các DN cố tình vi phạm như trốn đóng BHXH, nợ lâu, gian lận, trục lợi bảo hiểm… sẽ bị chuyển hồ sơ cho cơ quan công an và tòa án xử lý. Nếu người sử dụng lao động trốn đóng BHXH sẽ bị phạt tiền, thậm chí có thể bị đi tù cao nhất là 7 năm. |
Hải Anh/NLĐ
Bình luận (0)