Thời gian qua, liên tiếp những vụ trẻ bị lạm dụng, xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau từ công cộng đến nhà ở, thậm chí là trường học. Điều đáng nói là những kẻ thực hiện các hành vi đáng lên án này đến từ nhiều đối tượng khác nhau, từ kẻ biết luật cho đến phụ huynh, thậm chí là giáo viên.
Theo các chuyên gia tâm lý, người lớn cần dạy trẻ những bài học về cơ thể mình và phân biệt được các mối quan hệ trong xã hội. Trong ảnh: Học sinh tiểu học trong giờ học ở trường. Ảnh: Y.Hoa
Nguyên nhân của vấn nạn trên, theo nhận định của nhiều chuyên gia tâm lý là do sự tác động từ nhiều phía, và để phòng tránh không có gì khác là phải “chống từ gốc”.
Luật pháp chưa đủ sức răn đe
Nhiều năm rong ruổi đi “đòi công lý” cho trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM) cho hay hầu hết những vụ xâm hại, lạm dụng tình dục mà bà thụ lý, đối tượng thực hiện những hành vi này đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ mạng xã hội, phim ảnh, chất kích thích như rượu, ma túy đá, cỏ thơm… “Xã hội có nhiều biến động với các cám dỗ từ sự phát triển của công nghệ thông tin, quen nhau qua mạng xã hội… Không loại trừ bất cứ trường hợp nào, chỉ cần con người không đủ tỉnh táo thì khó kiểm soát được hành vi của bản thân”, bà Nữ nhận định.
Ngoài sự tác động từ các yếu tố trên, bà Nữ cũng cho rằng một trong những nguyên nhân để những vụ lạm dụng, xâm hại trẻ liên tiếp diễn ra là luật pháp chưa đủ sức răn đe, rõ ràng đối với các hành vi trên. “Quấy rối tình dục chỉ được áp dụng trong Bộ luật Lao động. Còn nếu xảy ra trong trường học như hành vi vỗ mông, vỗ đùi, nựng má học sinh thì gần như không nằm trong phạm vi vi phạm này, mà lại chủ yếu thuộc về phạm trù đạo đức của người giáo viên”, bà Nữ chỉ ra vấn đề bất cập.
Vì vậy, theo bà Nữ, bên cạnh luật pháp thì phạm trù đạo đức của mỗi ngành nghề cần phải được bàn đến và siết chặt, nhất là với nghề giáo. Đồng thời, điều quan trọng là người lớn, những bậc làm cha mẹ phải biết lắng nghe trẻ, ngay từ nhỏ trang bị cho trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân. Mỗi gia đình, nhà trường nên giáo dục trẻ từ gốc rễ để các em hiểu được ngọn ngành, hiểu được bản thân và cách phòng ngừa chứ đừng để đến khi có chuyện xảy ra rồi mới cắt ngọn thì không giải quyết được vấn đề nào hết. “Hiện tại trong xã hội, cứ khi có một vấn đề nào là ồ ạt học, ồ ạt dạy vấn đề đó. Và một thời gian sau thì… quên sạch. Ví dụ, khi xảy ra tình trạng lạm dụng trẻ trong thang máy mới bắt đầu dạy trẻ phòng vệ trong thang máy, khi trẻ bị bạo hành trong nhà trẻ mới bắt đầu tập huấn cho giáo viên đừng hành hạ các em. Với cách làm này chúng ta mới đang hớt ngọn, “mất bò mới lo làm chuồng”. Quan trọng không phải vậy mà chúng ta cần loại từ gốc. Bất kể đó là xảy ra trong trường học, trong thang máy, ở nơi công cộng. Bất kể là lạm dụng, dâm ô, hay xâm hại trẻ thì mọi hành vi này đều cần phải xử nghiêm, xử mạnh tay mới có thể đủ sức răn đe”, bà Nữ đề xuất.
Cha mẹ học cách lắng nghe, quan sát trẻ
Đứng ở góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn – người có nhiều năm chia sẻ những biện pháp bảo vệ xâm hại trẻ em – nhìn nhận rằng xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ là dạng xâm hại nặng nề nhất. Các hành vi này ảnh hưởng cả sức khỏe, tinh thần, thể chất của trẻ, về lâu dài còn ảnh hưởng đến tương lai của trẻ, hoặc gây ra biểu hiện về tâm thần cho trẻ. Thậm chí, theo ông Toàn, sự tác động đến trẻ còn nguy hiểm đến mức nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: 70% đối tượng thực hiện xâm hại tình dục hoặc có hành vi nghiện tình dục thì trong quá khứ (lúc nhỏ) là nạn nhân của chính hành vi trên. Cùng với đó, số liệu thống kê của Bộ Công an và Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy hàng năm số trẻ bị xâm hại tình dục càng ngày càng tăng cả về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. Riêng năm 2018, có tổng cộng 1.269 vụ xâm hại tình dục với 1.233 đối tượng thực hiện, 1.141 trẻ.
Điều đáng nói ở đây, theo ông Toàn, đối tượng thực hiện những hành vi xâm hại, lạm dụng trẻ có tới 91,6% là người thân quen với trẻ. Chỉ gần 9% đối tượng đến từ người xa lạ nhưng có điều kiện thuận lợi, thời cơ thuận lợi thực hiện hành vi. Trong số 91,6% người thân quen thì có tới 21,3% đối tượng là người thân, cực kỳ thân của trẻ. “Tức là các hành vi xâm hại, lạm dụng, dâm ô trẻ lại thường xảy ra với những đối tượng mà đôi khi chúng ta không ngờ đến. Có những vụ thậm chí cực kỳ đau lòng. Về phía người lạ, thường chỉ khi có cơ hội tiếp cận, có điều kiện thuận lợi, trẻ thiếu sự giám sát của người lớn thì hành vi này mới xảy ra”, ông Toàn nói.
“Đối tượng thực hiện những hành vi xâm hại, lạm dụng trẻ có tới 91,6% là người thân quen với trẻ. Chỉ gần 9% đối tượng đến từ người xa lạ nhưng có điều kiện thuận lợi, thời cơ thuận lợi thực hiện hành vi. Trong số 91,6% người thân quen thì có tới 21,3% đối tượng là người thân, cực kỳ thân của trẻ”, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn cho biết. |
Từ những phân tích trên, ông Toàn cho rằng để bảo vệ trẻ, nếu chỉ dạy cho trẻ kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục thì chưa đủ. Ngay cả việc học phương pháp tự vệ thì trẻ phải được học thường xuyên, liên tục để rèn khả năng ứng phó, linh hoạt trước các tình huống khẩn cấp. “Trước hết, chúng ta cần dạy trẻ (cả trẻ nam và nữ) những bài học về cơ thể mình và phân biệt được các mối quan hệ trong xã hội. Giúp trẻ nhận dạng được các hành vi báo động, không cho phép. Đồng thời, quan trọng nhất là dạy trẻ biết chia sẻ, biết lên án, không cam chịu, sợ hãi…”, ông Toàn cho hay.
Thậm chí cả giáo viên, những người làm luật, cộng đồng dân cư cũng phải được giáo dục về khả năng bảo vệ trẻ. Nhất là giáo viên – những người gần gũi trẻ chỉ sau gia đình, có thể dành 10 phút mỗi ngày chú ý quan sát học sinh. Về phía gia đình, phải chú ý đến các mối quan hệ bên ngoài của trẻ, không giao trẻ cho người lạ tiếp cận. Các bậc cha mẹ nên dành ít nhất 10 phút mỗi ngày trò chuyện cùng con, có thể là giờ ăn cơm tối, tập cho trẻ thói quen kể chuyện, chia sẻ. “Trong cuộc chiến bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn của xâm hại, lạm dụng tình dục, thì cả xã hội đều phải cùng vào cuộc. Trách nhiệm ở đây thuộc về người lớn. Hãy rời xa mạng xã hội và quan tâm đến trẻ nhiều hơn, quan sát và đồng hành cùng trẻ nhiều hơn”, ông Toàn nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)