Dù chưa học xong đại học nhưng Mai Trúc Lâm (sinh viên năm 4, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Gia Định, TP.HCM) đã có hơn 5 năm khởi nghiệp với cây thanh long trên vùng đất mặn tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Trúc Lâm và vườn thanh long trồng tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau
Cách làm của Trúc Lâm không chỉ giúp gia đình mình thoát nghèo, mở ra hướng đi mới cho cây thanh long mà còn cho thấy sự nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo của chàng trai trẻ.
Cho thanh long leo lên thân cây mắm
Thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau – nơi có những cánh rừng bạt ngàn nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn đối với việc trồng trọt và chăn nuôi. “Sau nhiều năm nuôi tôm bị lỗ vốn, gia đình em chuyển sang làm mô hình rau sạch bán thủy canh trong nhà lưới nhưng không thành công; trồng khổ qua rừng để làm trà khổ qua khô thì gặp hạn hán; làm giá, rau mầm tự nhiên thì bị thương lái chê sao èo uột không mua; nuôi gà vịt thì bị dịch bệnh, nuôi thỏ thì không đủ tiền duy trì… Có lúc gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, kiệt quệ vì vốn liếng bỏ ra bao nhiêu thì “đội nón ra đi” bấy nhiêu, thậm chí gia đình em còn không đóng nổi tiền học phí cho em, phải nợ lại học kỳ sau…” – Trúc Lâm nhớ lại.
Sống trong cái nghèo dai dẳng, Trúc Lâm luôn khát khao một ngày nào đó mình sẽ thay đổi số phận, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Sự quyết tâm đã giúp Trúc Lâm nảy ra ý tưởng khởi nghiệp bằng vốn kiến thức mà mình có nhờ đọc sách, báo… Ban đầu, Trúc Lâm thử nghiệm lần lượt nhiều loại cây trồng, con giống trên 1 công đất nhà với mong muốn tìm ra một thứ gì đó có thể phát triển tốt tại vùng đất quê mình. Nhưng may mắn không đến với Trúc Lâm khi các loại cây, con giống như gà, vịt, ngỗng, thỏ, nhím, rắn, bồ câu, dừa, xoài, ổi, bưởi… đều chết. Chỉ có duy nhất cây thanh long là còn sống và cho ra đúng 1 trái duy nhất. Với niềm tin mãnh liệt vào cây thanh long, Trúc Lâm nhờ cha đem đi nhân giống và trồng thử. Thấy hai cha con dồn hết công sức vào cây thanh long, bà con xung quanh đều lắc đầu ngán ngẩm bởi họ cho rằng, loại cây thanh long trồng ở đây không phù hợp, không mang lại hiệu quả cao… Có lần, mấy ông say rượu trong xóm còn vác dao ra chặt đứt gốc thanh long khỏi mặt đất nhưng cây vẫn sống. Cũng từ lần đó Trúc Lâm mới nhận ra rằng cây thanh long có khả năng sống theo hướng ký sinh không cần phải có đất và em bắt đầu đưa thanh long xuống nước.
Gia đình nghèo, không tiền mua trụ đá, Trúc Lâm và cha cho thanh long leo lên các loài cây như dừa, đước, bần, mắm… Kết quả, chỉ có cây mắm là chịu nổi thanh long. “Khi trồng thanh long trên thân cây mắm cho ra những quả thanh long có chất lượng cao vỏ bóng, siêu mỏng có màu tím sen, gai ngắn, ruột trắng ít hạt ngọt thanh và có hương vị nhãn đặc biệt” – Trúc Lâm phấn khởi.
Từ những gốc thanh long thử nghiệm, hai cha con Trúc Lâm phát triển thêm. Nhờ cây thanh long, gia đình Trúc Lâm trở nên khấm khá hơn.
Trong vụ đầu cho trái, mỗi gốc thanh long đạt khoảng gần 20kg, những năm sau đó lượng trái cứ thế tăng dần lên đến khoảng 60kg. Đặc biệt là điều kiện canh tác thanh long của Trúc Lâm hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán ra gấp 3 lần giá thanh long bình thường. Tuy năng suất không cao bằng nhiều vùng chuyên canh thanh long khác trong cả nước nhưng sản phẩm thanh long của gia đình Trúc Lâm cho trái ngọt tự nhiên, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng. “Em muốn nhân rộng dự án này ra để giúp cho bà con ở những vùng ngập mặn có cơ hội phát triển kinh tế chứ không phải đi phá rừng hay đánh bắt thủy hải sản non để duy trì cuộc sống” – Trúc Lâm chia sẻ.
Tận dụng cây mắm sản xuất muỗng, đũa
Trúc Lâm sở hữu nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, như giải Én xanh – cuộc thi Én xanh 2019; giải khuyến khích – Euréka 2019; giải tư – Business Ideas 2019; giải ba – Ý tưởng khởi nghiệp CIC 2019; giải nhì – Khởi nghiệp quốc gia 2019; giải nhì – Ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp trong tầm tay 2019. |
Không chỉ trồng thanh long, Trúc Lâm tận dụng thân cây mắm để sản xuất ra đũa, muỗng… Theo Trúc Lâm, cây mắm là một loại cây đặc biệt, chỉ cần nó hơn 2 năm tuổi là có thể khai thác được trong khi cây dừa cần đến 7 năm mới có thể khai thác, còn những loại cây gỗ khác cần đến vài chục năm.
Ở độ tuổi sinh viên, Trúc Lâm đã vạch ra nhiều kế hoạch không chỉ giúp mình thực hiện được ước mơ làm giàu mà còn giúp quê hương trở nên giàu đẹp, phát triển… Để thực hiện được mục tiêu, đối với Trúc Lâm, công nghệ thông tin là yếu tố vô cùng quan trọng để mình tiến xa hơn mà không bị tụt hậu… “Công nghệ sẽ giúp sản phẩm của mình vươn xa hơn chứ không chỉ quẩn quanh ở vùng đất Cà Mau. Vì lí do đó em quyết định học công nghệ thông tin để trang bị cho mình nền tảng vững vàng” – Trúc Lâm cho biết.
Trong tương lai, Trúc Lâm mong muốn làm khu du lịch sinh thái trong vườn mắm, thanh long nhà mình để du khách vừa hái thanh long, lấy mật ong, bắt cá, ăn đặc sản, ngủ nhà chòi. Tuy nhiên, hiện diện tích đất của gia đình Trúc Lâm hơi khiêm tốn, dự định khi nào diện tích vườn đạt đến mức 30ha thì em sẽ bắt đầu dự án. “Khi đó du khách sẽ được trải nghiệm ăn mật ong từ hoa mắm, thanh long, ăn thủy hải sản dưới chân rừng thanh long và đem các đồ lưu niệm làm từ gỗ mắm như đũa, muỗng làm từ gỗ mắm về sử dụng. Em ước tính nhiều năm nữa mới có thể thực hiện được” – Trúc Lâm cho biết.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)