Hội đồng tuyển sinh Trường đại học Ngoại thương đã bàn bạc và quyết định phương án tuyển sinh trong trường hợp nếu kỳ thi THPT quốc gia 2020 không được tổ chức.
Trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, Hội đồng tuyển sinh Trường đại học Ngoại thương đã thông qua 2 phương án tuyển sinh, theo 2 phương án đối với kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ GD-ĐT trình Chính phủ ngày 14.4.
Theo đó, nếu kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được tổ chức, trường sẽ giữ nguyên 4 phương thức xét tuyển như năm 2019.
Trong trường hợp Chính phủ quyết định không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020, Trường đại học Ngoại thương sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung thi tương tự như kỳ thi của THPT quốc gia.
Trong trường hợp này, nhà trường sẽ vẫn thực hiện tuyển sinh theo 4 phương thức. 2 phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia sẽ được thay bằng xét tuyển dựa trên kết quả thi theo tổ hợp xét tuyển của nhà trường. Dự kiến, trường sẽ tổ chức đăng ký trên hệ thống xét tuyển online từ ngày 1.6.
Hai phương thức còn lại, gồm xét tuyển dành cho học sinh hệ chuyên, trường chuyên và phương thức xét tuyển thẳng vẫn giữ nguyên.
Với phương thức thứ nhất, nhà trường xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia (hoặc kỳ thi mà trường phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức) với các tổ hợp môn A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07.
Điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Ngoại thương là thí sinh phải có điểm trung bình trung học tập 5 học kỳ (không bao gồm học kỳ 2 năm học 2019 – 2020) từ 7 điểm.
Phương thức thứ hai là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia, trong đó điều kiện nộp hồ sơ là thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm 2 môn không phải ngoại ngữ nằm trong tổ hợp xét tuyển của trường đạt ngưỡng chuẩn tối thiểu theo thông báo của nhà trường.
Phương thức thứ ba là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT đối với học sinh hệ chuyên của các trường chuyên với thời gian xét tuyển dự kiến trong tháng 6 và tháng 7.
Phương thức thứ tư là xét tuyển thẳng theo quy định về xét tuyển thẳng của Bộ GD-ĐT và quy định cụ thể của trường.
Năm 2020, Trường đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 3990 chỉ tiêu
Ngoài các ngành/chương trình đào tạo đã tuyển sinh từ trước, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế, Trường đại học Ngoại thương tuyển sinh thêm 4 chương trình chất lượng cao mới gồm các chuyên ngành: tiếng Nhật thương mại, tiếng Trung thương mại, tiếng Pháp thương mại và quản trị khách sạn.
Trong đó, mô hình đào tạo gắn với thực tiễn được áp dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.
Dự kiến, nhà trường sẽ tổ chức giải đáp, tư vấn trực tuyến cho thí sinh về phương án tuyển sinh và ngành/chương trình đào tạo vào ngày 26.4.
|
Theo Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)