Ngày đầu tuần, quán ăn gần nhà tôi thật đông đúc, đến nỗi người người chen chúc nhau đến nghẹt thở. Cũng may là nhờ “ăn mối” mỗi ngày nên tôi được chủ quán ưu ái cho một chỗ ngồi trong góc nhỏ xíu. Trong thời gian đợi món ăn ra, tôi ngó sang bàn đối diện, một cậu bé chừng 3-4 tuổi tinh nghịch chẳng chịu ăn phần của mình. Trong khi cha của bé cặm cụi ăn vội, có lẽ họ tranh thủ để đến cơ quan làm. Ôi, thật không may, thằng bé tháo hộp sa tế, múc một muỗng đưa lên miệng ngậm rồi nhăn mặt, khóc thét vì cay lưỡi. Sa tế văng tứ tung, thậm chí vấy vào bộ đồng phục xanh lam của người mẹ. Chẳng nghĩ đến cảm giác của con lúc này, người mẹ dựng đứng bé dậy, rồi đánh vào hai tay bé: “Mẹ đã nói mày sao hả? Không được nghịch ngợm rồi mà? Phá phách chi rồi giờ la hét inh ỏi. Dơ hết cái váy của mẹ rồi đây này”. Người cha thì vẫn ngồi cặm cụi ăn như không có chuyện gì. Cũng may cô chủ quán chạy lại đưa cho bé ly trà đá đường uống chữa cay. Đứa bé bớt khóc nhưng vẫn còn thút thít, đang cố tìm sự dỗ dành của mẹ nhưng người mẹ chỉ quan tâm đến trang phục của mình.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên tôi bắt gặp trường hợp này. Rất nhiều lần tôi chứng kiến những cảnh vô cùng bức xúc, muốn chạy lại can ngăn ngay. Những đứa bé chẳng tội tình gì. Chúng còn quá nhỏ để hiểu hết mọi thứ, cái gì đúng hoặc sai, cần hoặc không cần. Cho nên cha mẹ phải là người có trách nhiệm dạy dỗ trẻ những bài học đầu đời. Vậy mà các bậc phụ huynh cư xử không mấy tử tế giữa đám đông như vừa kể trên. Cha mẹ đánh con chỉ vì trẻ quá tinh nghịch. Chẳng ai muốn con mình quá phá bĩnh cũng như quá khờ khạo mà muốn trẻ phải được cân bằng tâm lý: ở mức bình thường. Nhưng không gì tự nhiên mà có, tất cả đều phải được dạy dỗ ngay từ khi trẻ lọt lòng để trẻ đi vào khuôn phép nề nếp, hiểu được những giới hạn. Cũng có đôi khi trẻ có máu phiêu lưu muốn được khám phá nhiều thứ thì ngay lúc đó, cha mẹ nên có trọng trách ngăn con lại khi con “đi quá xa vấn đề”. Đừng để sự đã rồi, chẳng hạn đồ đạc đổ vỡ, hư hỏng… thì đánh đập, chửi la, chì chiết. Đánh, mắng trẻ, sẽ làm trẻ tổn thương nhiều hơn trong lúc ấy khiến tâm lý đau đớn, hoảng sợ sẽ đi cùng. Biết đâu vì những “tra tấn” đó mà trẻ không còn năng động nữa – điều đó thật sự nguy hiểm đối với một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Những hành động đó chẳng những không đem lại sự giáo dục tốt đẹp mà còn có thể vi phạm pháp luật. Phải ân cần, âu yếm, dỗ dành cho sự việc nguôi ngoai rồi mới dạy dỗ con bằng những lời nói có tình có lý, ngọt ngào (chứ không nên chửi mắng hay xưng hô mày – tao). Nói cho con biết việc làm đó là sai, lần sau không được như thế nữa. Dạy con khoanh tay xin lỗi trước người lớn tuổi khi làm sai. Hãy nở nụ cười đón nhận sự thiện chí từ con, thay vì nhăn nhó khó coi. Trò chuyện với con nhiều hơn bằng những câu chuyện bên lề để trẻ quên đi nỗi đau (đứt tay, cay lưỡi, bỏng…), hướng trẻ đến một chân trời mới tươi sáng. Tuyệt đối không dùng tư duy bề trên để dạy con, vì như thế là phản tác dụng. Hãy xem con như một người bạn, biết lắng nghe con nói, nghe con bày tỏ tâm tư, để từ đó đưa ra phương pháp dạy con sao cho thích hợp nhất.
Trần Thái Học (Bến Tre)
Bình luận (0)