Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Truyền thông đa phương tiện: Ngành học “đa ngành”, nghề nghiệp đa dạng

Tạp Chí Giáo Dục

Được xem là một trong những ngành “hot” nhất và chắc chắn sẽ không giảm “độ nóng” trong thời đại truyền thông lên ngôi như hiện nay, ngành Truyền thông đa phương tiện đang “khát” nguồn nhân lực trẻ giàu khả năng sáng tạo và cũng là “đích ngắm” đầy hấp dẫn cho lựa chọn ngành – nghề của nhiều bạn trẻ.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng đa dạng của con người, ngành Truyền thông đa phương tiện – với các sản phẩm của mình – còn góp phần quan trọng giúp các ngành kinh tế, giáo dục, y tế, dịch vụ, thương mại,… trở nên thuận tiện, chuyên nghiệp và tất nhiên là hiệu quả hơn. Bạn có tự tin mình đã hiểu hết về ngành học thú vị này chưa? Hãy thử tìm hiểu nhé!

Chọn chỉ một ngành, học được nhiều “nghề” với Truyền thông đa phương tiện

Nhắc đến Truyền thông đa phương tiện, hẳn là có nhiều bạn nghĩ đến những sản phẩm thật “cao siêu”, hoành tráng. Nhưng thật ra, thành quả của người làm Truyền thông đa phương tiện “phủ sóng” rộng khắp nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Có ai chưa từng ngưỡng mộ những kỹ xảo tuyệt vời trong các thước phim Hollywood? Có bạn nào chưa từng ngỡ ngàng trước những video quảng cáo, parody,… “thần thánh”? Có game thủ nào chưa ít nhất một lần thắc mắc game được làm nên như thế nào? Hay đơn giản, gần gũi hơn là một gameshow, một chương trình thực tế, hoặc cả một trang bìa tạp chí…? Tất cả đều là “sản phẩm” của ngành Truyền thông đa phương tiện.

“Sản phẩm” của người làm truyền thông đa phương tiện bao phủ ở nhiều lĩnh vực cuộc sống

Nói đến đây, chắc hẳn không ít bạn sẽ có chút e dè: Có phải ngành này chỉ dành cho dân “sành” công nghệ? Không đâu nhé! Chỉ cần sự yêu thích, một chút sáng tạo và một môi trường đào tạo phù hợp, các bạn hoàn toàn có thể “chắp cánh” cho khả năng của mình bay cao, bay xa. Chẳng hạn như tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), bên cạnh các môn học về thiết kế, ứng dụng công nghệ thông tin vào truyền thông, viết kịch bản, dựng phim, sản xuất chương trình truyền hình…, các bạn sinh viên còn có thể thử sức với những kiểu học hấp dẫn như sản xuất phim ngắn, parody, hay thậm chí là tổ chức hẳn các sự kiện thực tế tại trường.

Sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện HUTECH trưng bày sản phẩm thiết kế poster

Trở thành sinh viên Truyền thông đa phương tiện, bạn hoàn toàn có khả năng “đá” nhiều sân – từ báo chí, biên tập đến công nghệ thông tin, thiết kế và thậm chí “lấn” sang cả giải trí, nghệ thuật. Tuyên ngôn “học một ngành, làm được nhiều nghề” là hoàn toàn có thể với sinh viên Truyền thông đa phương tiện.

Cần những “hành trang” gì để tự tin chinh phục Truyền thông đa phương tiện?

Cùng với khả năng sáng tạo, sự nhạy bén (hay còn gọi là “bắt trend”!), sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện cần một chút tinh thần lăn xả, “dám nghĩ dám làm” – nghĩa là dám thử thách bản thân với những ý tưởng mới mẻ. Và tất nhiên, môi trường học tập phù hợp, trang bị những thiết bị hỗ trợ hiện đại,… sẽ giúp bạn dễ dàng “hiện thực hóa” ý tưởng của mình. Bạn Nguyễn Đình Duy (ngành Truyền thông đa phương tiện – Đại học HUTECH) cho biết: “Trường trang bị rất nhiều các thiết bị chuyên dụng như máy quay phim, máy ảnh… để sinh viên thực hành, làm đồ án, dựng phim”. Nhờ lợi thế này, các bạn có thêm điều kiện thực hiện những dự án “khủng”, chẳng hạn như nhóm của Duy đã làm phim ngắn ngay từ năm nhất. Một số sự kiện hoành tráng hơn còn có sự hỗ trợ từ Sony Việt Nam.

Các công ty lớn như Sony Việt Nam hỗ trợ thiết bị chuyên dụng cho sinh viên HUTECH thực hành

Trải nghiệm “học” và “hành” ngay từ trên giảng đường, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện khi tốt nghiệp có thể tự tin đảm nhiệm nhiều vị trí nghề nghiệp khác nhau. Các công việc cụ thể có thể “điểm danh” như Biên tập viên nội dung báo chí, phim quảng cáo, phim hoạt hình; Chuyên viên thiết kế sản phẩm truyền thông tại các công ty truyền thông, quảng cáo, đài truyền hình, nhà xuất bản; Thiết kế game; Thiết kế và xây dựng website (tại các công ty phát triển phần mềm, xây dựng website);… Tất cả cơ hội việc làm này đều mang đến cho các bạn mức lương đáng mơ ước trong bối cảnh “số hóa”, lĩnh vực nào cần đến nguồn nhân lực ngành Truyền thông đa phương tiện để có thể quảng bá thương hiệu, truyền tải thông điệp, nội dung một cách tinh tế, ấn tượng và hiệu quả nhất.

Thông tin xét tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện ở một số trường Đại học:

– Đại học HUTECH: Xét tuyển các tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh) và D15 (Văn, Địa, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc xét học bạ lớp 12 với tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; hoặc Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM.

– Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia.

T.D.V

Bình luận (0)