Việt Nam được đánh giá là nước có tỷ lệ ung thư cao trên thế giới, đặc biệt là ung thư dạ dày xếp ở top những nước có tỷ lệ cao nhất. Đây là một thực trạng báo động về các vấn đề môi trường sống, chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh tật.
Khám sức khỏe định kỳ là cách để phát hiện sớm các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư.
Số người mắc ung thư tăng cao đáng sợ
Buổi sáng tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ (Hà Nội), số người đi khám do nghi ngờ mắc ung thư xếp hàng dài tại các phòng khám; các bệnh nhân đến điều trị phải luân phiên các ca, thuê phòng trọ quanh bệnh viện để chờ xạ trị vì bệnh viện quá tải.
Khuôn mặt gầy guộc, mệt mỏi, ông Đinh Văn Hiển (60 tuổi, ở Ninh Bình) đến khám định kỳ cho biết: “Khi bắt đầu thấy đau mang tai, vùng họng tôi đi khám thì đã phát hiện mắc ung thư vòm họng. Khi biết tin tôi rất sụp đổ, nghĩ đến cái chết đã ở ngay trước mắt, nhưng rất may khi điều trị cơ thể tôi đáp ứng được nên đã điều trị được gần 4 năm nay. Xạ trị cũng đã khiến tôi phải cắt một phần hàm, giờ đây tôi chỉ ăn được thức ăn mềm như cháo, sữa mà không thể nhai được. Có lẽ do trước đây tôi rất ít đi khám bệnh, đến khi phát hiện thì bệnh đã nặng và phải xạ trị. Mỗi đợt điều trị gia đình tôi phải khăn gói lên bệnh viện, ở trọ hàng tuần để điều trị nên rất tốn kém”.
Cũng bị nghi ngờ ung thư vú, chị Phạm Thị Thủy (53 tuổi ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng) phải đi khám từ 3 giờ sáng, vì bệnh nhân quá động nên phải chờ đợi cả buổi sáng vẫn chưa có kết quả. Chị cho biết, đã đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh và nghi ngờ mắc ung thư vú nên chị chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương để khám lại cho chắc chắn.
“Tôi rất lo sợ mắc ung thư, mặc dù bác sĩ nghi ngờ tôi mới chỉ bị giai đoạn đầu nên có cơ hội chữa khỏi. Tuy nhiên để chữa khỏi cũng tốn kém vô cùng. Bệnh ung thư đúng là nỗi sợ khủng khiếp nhất, ở quê tôi mấy năm nay số người chết vì ung thư cũng rất nhiều”, chị Thủy chia sẻ.
Chưa bao giờ bệnh ung thư lại đáng sợ như hiện nay khi số người mắc ngày càng tăng nhanh, đây lại là căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư (khoảng 315 người chết mỗi ngày). Theo số liệu này, WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1).
Ung thư vốn dĩ là căn bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả người già, lẫn người trẻ. Trong đó, phổ biến là các loại ung thư: Dạ dày, gan, phổi, trực tràng, ung thư máu, bạch cầu, hạch… Đặc biệt Việt Nam đứng thứ 18/20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới, đó là chưa kể có tới hơn 70% người đi xét nghiệm phát hiện nhiễm vi khuẩn HP trong đường tiêu hóa là những nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Số người mắc ung thư ngày càng tăng cao dẫn đến quá tải tại bệnh viện. Trước năm 2017, Bệnh viện K có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt) vì không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị nên vừa qua, Bệnh viện phải đầu tư thêm hệ thống gia tốc xạ trị hiện đại. Số lượng người bệnh ngày càng lớn, nhu cầu điều trị của người bệnh ngày càng cao, nếu như năm 2015 bệnh viện tiếp nhận gần 11.800 người bệnh, thì hơn nửa năm 2017 đã tăng lên hơn 15.000 người bệnh.
Cũng theo GS. Thuấn, riêng về xạ trị, mỗi ngày, Khoa Xạ trị của Bệnh viện K phải tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân; do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm 3 ca sáng, chiều, đêm và các máy xạ trị của Bệnh viện thường xuyên phải sử dụng liên tục 22-23h/24h, quá tải gấp 4- 5 lần khuyến cáo sử dụng máy.
Các chuyên gia lý giải, con người càng sống lâu, thời gian tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh ngày càng nhiều, bao gồm các chất ô nhiễm độc hại, càng lâu càng tích tụ nhiều. Đặc biệt, trong cơ thể con người luôn diễn ra quá trình tự đào thải và tạo mới các tế bào. Những chu kỳ này càng diễn ra nhiều theo thời gian, sai sót đột biến tế bào càng nhiều đây chính là yếu tố gây nên các bệnh lý về ung thư.
Tuy nhiên, ở Việt Nam đang ghi nhận tình trạng một số bệnh ung thư có độ tuổi mắc bệnh trẻ các nước hơn trên thế giới. Điển hình là ung thư vú được ghi nhận trẻ hơn so với thế giới 5-10 tuổi. Nhiều phụ nữ mới chỉ ở tuổi 20, 21 đã bị ung thư vú. Cái khó nhất là chưa thể xác định được nguyên nhân trẻ hoá độ tuổi mắc bệnh. Một số bệnh ung thư ở nước ta cũng có độ tuổi mắc trẻ hơn so với thế giới là ung thư phổi, dạ dày, trực tràng…
Tầm soát, phát hiện sớm có thể chữa khỏi
Theo các chuyên gia, ung thư rất nguy hiểm nhưng với sự tiến bộ của y học hiện nay người bệnh đã có nhiều phương pháp chữa trị, thậm chí khỏi khi mắc ở giai đoạn sớm. Trong khi đó, tại Việt Nam, phần lớn các trường hợp phát hiện mắc ung thư mới đều tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn. Đây cũng là lý do Việt Nam có tỷ lệ bệnh nhân ung thư tử vong cao.
Theo đó, không phải loại ung thư nào cũng dẫn đến tử vong nhanh, phần lớn ung thư có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị bài bản, kịp thời. Có tới 7 loại ung thư dễ chữa khỏi nhất với tỷ lệ sống thêm 5 năm hoặc hơn như: Ung thư cổ tử cung, vú, tinh hoàn, tiền liệt tuyến, da, tuyến giáp, hạch. Tuy nhiên muốn đạt được kết quả tốt trong điều trị, bệnh nhân phải được phát hiện ở giai đoạn sớm, tuân thủ điều trị bài bản, không bỏ dở giữa chừng…
Việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu ung thư sớm có ý nghĩa rất quan trọng để điều trị kịp thời và tăng hiệu quả điều trị bệnh. Cụ thể, nam giới cần đi khám ngay nếu có những biểu hiện ho không rõ nguyên nhân, hay tức ngực để phát hiện dấu hiệu của bệnh ung thư phổi; hoặc phụ nữ có thể tự khám vú thường xuyên để phát hiện những bất thường ở tuyến vú phòng ung thư vú…
GS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: Có tới 40% các loại ung thư trên thế giới đều có thể phòng ngừa được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, hiện nay người Việt vẫn đang quá thờ ơ chủ quan không phòng ngừa.
Hiện nay một số bệnh ung thư cũng đã vắc xin phòng ngừa tác nhân gây bệnh, đơn cử như ung thư cổ tử cung do virut HPV gây ra hiện nay đã có vắc xin tiêm để phòng ngừa virut HPV, ngăn ngừa được ung thư cổ tử cung; hoặc phòng ngừa ung thư gan do vi rút viêm gan B bằng cách tiêm vắc xin phòng viêm gan B…
Việc ăn uống các thực phẩm không lành mạnh; uống nhiều bia rượu lâu dần tích lũy cũng có thể gây ung thư đường tiêu hóa; hoặc thường xuyên ăn mặn các món dưa cà, mắn tôm… cũng tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày… Việc thay đổi những thói quen không lành mạnh này cũng có thể ngăn ngừa ung thư.
Do đó, người dân cần ý thức nhiều hơn về lợi ích của việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư sớm. Ung thư khi được phát hiện sớm khả năng chữa khỏi rất cao.
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bình luận (0)