Gần đây, có tác giả nêu ý kiến không nên sáng tạo những kết cấu “cọc cạch” giữa một từ thuần Việt với một từ gốc Hán theo cấu trúc tiếng Hán để tạo nên một từ ghép “nửa ta nửa Tàu” theo kiểu: Út nam, Tư Mập quán, quốc giỗ… và phải là hai từ đều có gốc Hán mới có thể tạo từ ghép kiểu như: Trưởng nữ, Mai Hoa quán, quốc lễ…
Một tiết học môn văn của học sinh THPT tại TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Đây là vấn đề hoàn toàn chính đáng và rất đáng quan tâm đối với tất cả mọi người trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; chúng tôi xin góp bàn một số ý kiến, nhằm giúp cho vấn đề nêu trên được nhận diện thỏa đáng, thấu đáo hơn.
Theo TS. Lê Đình Khẩn trong cuốn “Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt” (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2002), trong vốn từ tiếng Việt hiện nay, bên cạnh loại từ thuần Việt, thì từ gốc Hán chiếm khoảng 60% vốn từ (H. Maspéro, 1912). Số từ ghép trong vốn từ gốc Hán này được phân chia thành nhiều loại. Trong đó có một loại là các từ được ghép bởi các thành tố gốc Hán, gọi là “từ ghép thuần Hán” như: Sơn hà, quốc gia, ngôn ngữ…; ngoài ra còn có một loại khác được gọi là “từ ghép hỗn hợp gốc Hán” là những “từ ghép được tạo thành bởi ít nhất là một thành tố đọc theo âm Hán Việt, các thành tố còn lại có thể là từ thuần Việt hoặc các từ ngoại lai đã được Việt hóa cao độ” [tr.139, sđd] theo nhiều kiểu, ví dụ: (a) Kiểu X – hóa (trong đó X là thành tố không phải gốc Hán): Xanh hóa, vôi hóa, bêtông hóa, ngói hóa, ximăng hóa, axít hóa… (b) Kiểu X – trưởng: Lớp trưởng, nhóm trưởng, toán trưởng, ga trưởng… (c) Kiểu trưởng – X: Trưởng ga, trưởng lớp, trưởng ban, trưởng tàu, trưởng nhóm… (d) Kiểu tái – X: Tái mù, tái nghiện…
Trở lại các ngữ liệu đã nêu trên, chúng ta dễ dàng xác định được từ ghép “út nam” cấu tạo theo kiểu (b) vừa nêu, còn từ “quốc giỗ” thì được cấu tạo theo kiểu (c). Cá nhân người sử dụng đã mô phỏng theo cách cấu tạo từ gốc Hán để tạo thành từ mới theo các kiểu trên là hiện tượng bình thường, vốn có trong nhiều ngôn ngữ, chứ hoàn toàn không phải là “cố bắt chước cách kết cấu của từ ghép gốc Hán đã Việt hóa, để đặt ra từ mới gồm một từ gốc Hán với một từ thuần Việt” như có ý kiến đã nhận xét.
Ngoài ra, bên cạnh loại từ ghép theo kiểu hỗn hợp Hán – Việt như kể trên, trong tiếng Việt còn có những từ ghép mà các thành tố của nó ngoài yếu tố thuần Việt, hoặc yếu tố gốc Hán còn có những yếu tố vay mượn từ các tiếng ngoại lai khác như: Quán ba (bar – từ tiếng Anh), nhà ga (gare – từ tiếng Pháp), xe ca (car – từ tiếng Anh), sa hoàng (Царь – từ tiếng Nga), axít (acide – từ tiếng Pháp) béo, xi măng (ciment – từ tiếng Pháp) hóa, cao su (caoutchouc – từ tiếng Pháp) tặc…
Nhưng, tại sao với các từ theo kiểu vôi hóa, tái nghiện, lớp trưởng, thậm chí các từ nhà ga, axít béo, bêtông hóa có kiểu kết hợp các thành tố “cọc cạch” như vậy mà không thấy ai có ý kiến gì, sử dụng một cách bình thường; còn những từ quốc giỗ, út nam, Tư Mập quán… lại gây cho nhiều người sự bận tâm và khó chấp nhận chúng như những từ ngữ bình thường khác? Có lẽ vì đây là những từ ghép mới xuất hiện, chưa được sử dụng rộng rãi. Do đó, việc nhận thấy chúng lạ lẫm là điều tất nhiên. Tuy nhiên, chúng là những từ “chưa quen nhưng không xa lạ”, theo thời gian, chắc chắn chúng sẽ được dùng ngày càng phổ dụng hơn và sẽ mặc nhiên gia nhập vào từ vựng tiếng Việt, như vô số những trường hợp kết cấu “cọc cạch” khác hiện có mặt trong vốn từ tiếng Việt.
Tham khảo “Từ điển tiếng Việt” của nhóm Hoàng Phê – một trong ít cuốn từ điển đáng tin cậy về mặt khoa học hiện nay – chúng tôi đã dễ dàng liệt kê hàng loạt từ ghép kết hợp theo kiểu nửa ta, nửa Tàu mà nhiều ý kiến đã băn khoăn: thầy giáo, cô giáo, nhà văn, thuyền buồm, ghe thuyền, cao tuổi, giảng dạy, thuốc bổ, súng trường, thầy địa, quê hương, ngày sinh, người hùng, xiêm áo, sinh đẻ, phân chia, lỡ thì, hình ảnh, ca hát, nhà vệ sinh, xe song mã, xe cơ giới, sách giáo khoa… Đồng thời, việc dùng từ Hán Việt, không phải bao giờ cũng chỉ vì lý do “từ gốc Hán nghe sang trọng hơn từ thuần Việt” như nhiều ý kiến nhận xét. Có những trường hợp buộc phải dùng từ Hán Việt vì không có từ thuần Việt có nghĩa tương đương để thay thế – như Bác Hồ đã từng dạy: Trong việc giữ gìn tiếng Việt, cái gì tiếng ta dùng đã quen rồi, không nên tự ý sửa đổi. Sẽ “tả” quá nếu những chữ Hán đã hóa thành tiếng ta, ai cũng hiểu, mà cố ý không dùng. Thí dụ: Độc lập mà nói “đứng một”, du kích thì nói “đánh chơi”.
Cuối cùng, có những trường hợp bắt buộc phải dùng từ Hán Việt – dù vẫn có từ thuần Việt tương đương, trong những trường hợp cần sắc thái trang nhã, trang trọng, cổ kính, văn chương…, vì từ Hán Việt vốn có những đặc tính cố hữu đó; như chỉ có thể nói/viết: Hội Phụ nữ, Báo Nhi đồng, nhà hộ sinh, phu nhân tổng thống… chứ không ai/ không bao giờ nói Hội Đàn bà, Báo Trẻ con, nhà giúp đẻ, vợ/bà xã tổng thống…
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)