Bắt buộc học sinh (HS) đọc sách trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm, tuy chỉ với 15 phút/tuần nhưng sẽ tạo được thói quen tự học, tự nghiên cứu cho các em.
Một lớp học tại thư viện Trường THPT Phú Nhuận |
Với ý nghĩa đó, cô Nguyễn Thị Phương (giáo viên bộ môn GDCD Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM) đã gợi ý phối hợp với thư viện trường tổ chức tiết học ở thư viện với mục đích tạo tiền đề để xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Theo cô Phương, việc tổ chức tiết học này cũng không ngoài mục đích giúp HS tránh sự cám dỗ của công nghệ hiện đại từ smartphone. Tiết học tích hợp, lồng ghép nhiều nội dung liên quan đến văn hóa đọc của HS THPT được các em hào hứng tham gia.
Để có được tiết học ở thư viện hiệu quả, ngay trên lớp giáo viên trình bày thực trạng đọc sách hiện nay của giới trẻ nói chung và HS nói riêng; sự phát triển của CNTT và một số yếu tố khác khiến cho văn hóa đọc sách đang dần mai một trong đời sống của các bạn trẻ. Sau tiết học trên lớp, HS lớp 10A16 đã có bài thuyết trình “Văn hóa đọc sách trong trường THPT”, được giáo viên đánh giá cao. Trong đó làm bật lên nội dung về thực trạng văn hóa đọc; nguyên nhân, lợi ích của đọc sách; kỹ năng đọc sách đúng; giải pháp nâng cao văn hóa đọc trong trường THPT; trò chơi tìm hiểu về sách; tài liệu tham khảo… Bài thuyết trình cũng đưa dẫn chứng thuyết phục về thực trạng đọc sách trong HS THPT hiện nay, thu thập ý kiến của người trong cuộc. Theo đó, phỏng vấn 3.000 HS THPT thì chỉ có 10% HS đã từng vào thư viện đọc hoặc mượn sách, còn 90% hoàn toàn không đọc. Bài thuyết trình đúc kết: Nguyên nhân thực trạng này là do hầu hết HS có thái độ chán nản, coi nhẹ việc đọc sách, không có hứng thú với nó. Hơn nữa, phụ huynh chưa hướng cho con em thói quen đọc sách mà thay vào đó là việc thúc ép học thêm. Một nguyên nhân nữa không thể chối cãi là hiện nay trường nào cũng có thư viện nhưng thiếu đầu sách, đặc biệt là sách dành cho lứa tuổi các em. Ngoài ra, HS hiện nay đã có nhiều kênh thông tin, nhiều trang mạng xã hội, những thú vui (game, truyện tranh…) dẫn đến việc thờ ơ với sách. Bản thân các em thường dùng quỹ thời gian ít ỏi để làm bài tập vì lịch học quá dày, một bộ phận khác lại dành thời gian đó để giải trí bằng game, xem ti vi…
Để giải quyết thực trạng này, về phía giáo viên cần hướng dẫn và tạo điều kiện cho HS tự học, tự nghiên cứu có hiệu quả thông qua việc đọc sách. Nhà trường cần nâng cấp thư viện để phục vụ nhu cầu đọc sách đa dạng của HS bằng cách cải thiện đầu sách và chất lượng nguồn thông tin trao đổi, tránh dàn trải, trùng lắp. Tổ chức các buổi giới thiệu sách để các em có thêm thông tin về những cuốn sách bổ ích. Riêng HS nên tự ý thức về việc đọc sách, biết lựa chọn đâu là sách hay, đúng tránh đọc sách có nội dung tầm thường, dễ dãi làm mất thời gian và có hại cho tâm hồn, đặc biệt là biết cách áp dụng tri thức vào thực tế.
Qua tiết học ở thư viện, giáo viên đã trang bị cho HS kỹ năng đọc sách đúng như: xác định mục đích đọc sách; đọc để hiểu biết, không đọc qua loa; không đọc thành tiếng; đọc nghiền ngẫm nội dung; tập đọc nhanh, tóm nhanh nội dung chủ yếu của sách; đọc sách trước khi ngủ giúp nhớ lâu hơn…
T.Anh
Bình luận (0)