Y tế - Văn hóaThư giãn

Nỗi đau chưa nguôi từ vụ khủng bố kinh hoàng 11/9

Tạp Chí Giáo Dục

16 năm đã trôi qua nhưng nỗi kinh hoàng mà vụ khủng bố ngày 11/9/2001 gieo rắc lên tâm trí của người dân Mỹ cũng như toàn thế giới vẫn chưa hề nguôi ngoai.

Người nhảy từ tòa tháp đôi bốc cháy ngày 11/9/2001. Ảnh: AP

Sáng 11/9/2001, 19 tên không tặc thuộc tổ chức Hồi giáo cực đoan Al Qaeda chia thành 4 nhóm, cướp 4 máy bay chở khách và tấn công vào các địa điểm quan trọng của nước Mỹ, khiến khoảng 3.000 người tới từ hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng.

4 máy bay chở khách khi đó là máy bay số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines cất cánh từ New Jersey, máy bay số hiệu 175 của hãng hàng không United, máy bay số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines (AA) từ Washington DC và máy bay số hiệu 11 của hãng AA từ Boston.

8h46 ngày 11/9/2001 theo giờ địa phương, tên khủng bố Mohammed Atta và những tên không tặc khác trên chuyến bay số hiệu 11 của AA đã điều khiển phi cơ đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc, thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, khiến tất cả những người trên máy bay và hàng trăm nạn nhân trong tòa nhà thiệt mạng.

Lucio Caputo, nam nhân viên làm việc tại tầng 78 của tháp phía bắc, cho biết anh đang ở trong văn phòng khi vụ việc xảy ra. 

Ảnh các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 trưng bày tại Bảo tàng Tribute 11/9, New York, Mỹ. Ảnh: Gettyimages

"Toàn bộ tòa tháp rung mạnh. Bụi và mảnh vụn rơi xuống. Có tiếng la hét, gương và kính vỡ, những tiếng còi vang lên”. “Tôi lấy một cái khăn thấm nước, đèn pin và chạy về phía cầu thang… Khi chạy xuống tầng 50, dòng người đi xuống bị mắc kẹt”, Caputo kể lại. 

9h03 sáng 11/9/2001, phi cơ mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp phía nam của WTC khiến tất cả những người trên máy bay và hàng trăm nạn nhân trong tòa nhà thiệt mạng.

Lúc này, New York ở trong tình trạng báo động. Những tiếng gào thét, khóc lóc, hoảng loạn, những tin nhắn và cuộc gọi cuối cùng còn ám ảnh đến ngày hôm nay…

Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Hàng không Hoa Kỳ (FAA) ra lệnh đóng cửa tất cả các sân bay trên khắp nước Mỹ. Mọi chuyến bay đều bị huỷ. Những chuyến bay đang thực hiện hành trình đều phải hạ cánh khẩn cấp. 

Tới 9h37 cùng ngày, chuyến bay mang số hiệu 77 của hãng AA đâm vào mặt tiền phía tây Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ khiến 125 người thiệt mạng. 

9h59, tòa tháp phía nam của WTC sụp đổ.

10h07, chuyến bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines rơi xuống một cánh đồng gần quận Shanksville, hạt Somerset, bang Pennsylvania khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng (cả nhóm không tặc). Dữ liệu trong hộp đen cho thấy các hành khách trên máy bay đã cố gắng giành kiểm soát máy bay từ tay bọn không tặc.

10h28 ngày 11/9/2001, tháp bắc WTC sụp đổ sau 102 phút kể từ khi bị tấn công.

13h00, từ một căn cứ không quân tại Louisiana, Tổng thống Mỹ khi đó George Bush tuyên bố quân đội Mỹ đang trong tình trạng báo động cao. Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết vụ khủng bố ngày 11/9 là sự kiện sâu sắc nhất trong cuộc đời ông, cũng như cảm giác “bất lực” khi chứng kiến người dân nhảy khỏi tòa tháp đôi mà “chẳng thể làm gì”. 

Tới 17h20 cùng ngày, tòa nhà số 7 của WTC, cao 47 tầng, sụp đổ sau 7 tiếng bốc cháy nhưng tất cả mọi người trong tòa nhà đã được sơ tán an toàn.

Tối cùng ngày, Tổng thống Bush nói chuyện trấn an công dân trên truyền hình. Ông gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, đồng thời tuyên bố sẽ truy lùng và trừng trị những kẻ chủ mưu khủng bố, cũng bất cứ ai hay quốc gia nào dung dưỡng chúng. 

Cho tới 16 năm sau, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục xác định danh tính của hàng nghìn nạn nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa tháp đôi ngày hôm đó. Theo New York Times, có tới 1.112 nạn nhân vẫn chưa được nhận diện. Những căn bệnh mãn tính đeo đẳng người Mỹ 16 năm sau vẫn còn nguyên đó. Lớp bụi từ hiện trường Tháp WTC hôm 11/9 chứa rất nhiều hóa chất độc hại cùng lượng khí thải của hàng trăm nghìn lít dầu diesel bốc cháy. Theo CBS News, 90.000 người đã tiếp xúc với bụi độc này, và hơn 60.000 người vẫn đang phải tham gia chương trình theo dõi sức khỏe. Còn cuộc chiến chống khủng bố mà chính quyền Mỹ phát động ngay sau vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 đến nay vẫn chưa ngã ngũ. 

Trần Minh/Báo Tin Tức
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)