Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Giữa đào tạo và sử dụng còn “vênh” nhau

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên sư phạm khó ứng dụng kiến thức học ở trường ĐH do bị yêu cầu bám sách giáo viên khi thực tập. Thực tiễn này là một trong những vấn đề được nêu bật tại tọa đàm về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa tổ chức.

Bà Dương Thị Hồng Hiếu (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trao đổi ý kiến tại tọa đàm

Bám sách “không sai một dấu phẩy”

Bà Nguyễn Thị Mai Thu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) nêu thực tế, hiện nay đội ngũ giáo viên tại các trường tiểu học rất vất vả ở khâu dạy theo hướng tổ chức hoạt động cho học sinh, nhất là đối với sinh viên mới ra trường. Các giáo viên mới này cứ bám theo khuôn mẫu, trình tự 5 bước như trước đây chứ không hình dung được hướng dạy tổ chức hoạt động cho học sinh và mối liên kết giữa hoạt động 1 đến các hoạt động 2, 3, 4, 5… Sau một năm, các giáo viên mới bước đầu hình thành, thiết kế được tiết dạy tổ chức hoạt động cho học sinh và đến năm thứ 2, các em mới có kinh nghiệm hơn trong tổ chức hoạt động đó.

Bà Thu mong muốn chương trình đào tạo giáo viên tiểu học cần tăng cường đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên nắm vững hơn các bước tổ chức hoạt động ở lớp thay vì như hiện nay, phải sau 3 năm công tác tại trường, các em mới thực hiện được. Ngoài ra, bà Thu cũng cho rằng, thực tế giáo viên tại trường rất lệ thuộc vào sách giáo viên khi giảng dạy.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Nga (giảng viên phương pháp Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) lại cho rằng, giáo viên mới chưa biết tổ chức hoạt động cho học sinh là điều ngạc nhiên. Vì trong đào tạo, nhà trường đã định hướng sinh viên việc phát triển năng lực cho học sinh, chứ không phải bám sách giáo viên. Bà Nga chỉ ra thêm, những hạn chế của sinh viên sư phạm được đề cập ở trên đây một phần cũng nằm ở vấn đề… sách giáo viên. “Nhiều sinh viên đi thực tập tại trường phổ thông phàn nàn việc không được áp dụng những kiến thức đã học ở trường ĐH, bắt buộc phải làm đúng như sách giáo viên. Thậm chí có giáo viên hướng dẫn yêu cầu các em không cần soạn bài giảng mới mà phải làm đúng như sách giáo viên, không sai một dấu phẩy”, bà Nga cho biết.

Dạy theo 2 hướng

“Ở cương vị giáo viên bộ môn phương pháp giảng dạy Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chúng tôi hiện đang hướng dẫn sinh viên theo 2 hướng, trong đó, một hướng đổi mới theo đúng tinh thần sách giáo khoa mới (chú trọng phát triển năng lực người học), đồng thời còn dạy theo một hướng khác nữa để sinh viên ra trường có thể thích ứng ngay với chương trình hiện hành khi chưa đổi mới”, bà Dương Thị Hồng Hiếu (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho hay.

“Chưa kể, có giáo viên hướng dẫn dạy sai mà sinh viên thực tập phải ngậm ngùi làm theo. Cách nào để sinh viên tự tin áp dụng những kiến thức được trang bị tại trường sư phạm vào thực tiễn, trong khi trường ĐH quyết liệt dạy sinh viên tránh lệ thuộc vào sách giáo viên nhưng môi trường thực tế lại yêu cầu ngược lại?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Cần lộ trình để bớt lệ thuộc sách

Từ các vấn đề mà đại diện trường tiểu học và ĐH nêu ra, bà Dương Thị Hồng Hiếu (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận, giữa đào tạo sư phạm với đơn vị sử dụng giáo viên trong thực tế có “vênh” nhau, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong số đó là khâu truyền thông, sự kết nối chưa chặt. Điều này dẫn đến những gì các trường đào tạo sư phạm đang làm thì trường phổ thông chưa biết, các trường phổ thông làm theo cách của họ, trường ĐH dạy theo cách của mình và sinh viên ở giữa bị hoang mang, lúng túng.

Bà Hiếu so sánh, từ lâu các trường ở nước ngoài đã đào tạo sinh viên sư phạm theo hướng không lệ thuộc sách giáo viên, không tài liệu hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể. Và như vậy, sinh viên ra trường rất chủ động trong việc thiết kế các bài dạy của họ (chỉ có khung chương trình bộ môn là theo quy định chung, không có sách giáo khoa). Hiện nay, chúng ta đang đi theo hướng đó nhưng cần có lộ trình, nếu không sẽ khó theo kịp. Nếu ngắt bỏ hoàn toàn sách giáo viên cũng như những hỗ trợ từ phía các đơn vị đào tạo sư phạm, từ Bộ GD-ĐT thì khả năng giáo viên chưa theo được việc tự chủ động hoàn toàn.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)