Sau khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng (NH) dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhiều NH đã nhanh chóng tuyên bố tham gia với những khoản cho vay hàng ngàn tỷ đồng. Dẫu vậy, nhiều nông dân đều cho rằng mình không có cơ hội “chạm tay vào vốn”.
Bà Nguyễn Thị Ánh – chủ trang trại trồng lan, nuôi bò ở Củ Chi TPHCM phản ánh: “Nhiều lần đến NH nhờ hỗ trợ nhưng khi NH thẩm định, tôi đều không đạt yêu cầu. Lý do, giá trị thực tế trang trại của tôi đạt trên 10 tỷ đồng nhưng do đất trang trại thuê thầu hợp đồng 5 năm; chuồng trại chăn nuôi bị định giá rất thấp, nên chỉ được vay 300 triệu đồng, không đủ để đầu tư cho công nghệ cao. Để có tiền, tôi chỉ có nước mượn người nhà, kêu gọi người thân hùn hạp hoặc vay “chợ đen”. Chấp nhận lãi suất cao hơn nhưng cần vay là có”.
Bà Ánh nói, làm nông nghiệp công nghệ cao “nặng” nhất vẫn là vốn. “Chúng tôi hi vọng lần này sẽ có nhiều đổi mới theo hướng thông thoáng và gần với thực tiễn với người dân hơn”, bà Ánh nói.
Điệp khúc “tài sản thế chấp”
Theo ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty XNK Vina T&T, không phải đến lúc này, nhà nước mới có gói 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp, mà trước đó đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ vốn được ban hành. Tuy nhiên, nhiều chương trình không hiệu quả, người dân rất khó tiếp cận được với các nguồn ưu đãi của Nhà nước. Ngay gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho nông nghiệp được nêu từ tháng 11/2016 đến nay, theo ông, cũng chưa có DN nào tiếp cận được. “Gói 100.000 tỷ đồng nghe thì hấp dẫn nhưng những nông dân tôi tiếp xúc cho biết, họ không hào hứng lắm. Bởi ngoài việc ràng buộc nhiều về đầu tư máy móc, công nghệ… nông dân cũng phải có tài sản để thế chấp. Trong khi đất canh tác của nông dân đa phần đều thuê mướn thì làm sao có thể đem đi vay NH?” – ông Tùng nói.
Thừa nhận cần phải đáp ứng được các yêu cầu mới được vay phó giám đốc một NH tại TPHCM thẳng thắn, hầu hết quyết định đầu tư của NH cổ phần phụ thuộc vào quyết định của các cổ đông. Dĩ nhiên, khi lĩnh vực NN vẫn được xếp vào loại rủi ro cao (thiên tai, dịch bệnh, mất mùa…), lợi nhuận lại thấp hơn các khu vực khác thì quyết định của các cổ đông hạn chế đầu tư vào lĩnh vực này là điều dễ hiểu.
Chia sẻ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, TS Lê Bá Chí Nhân – chuyên gia kinh tế cấp cao cho rằng cần làm rõ một số vấn đề như NH nào sẽ tham gia; mức chênh lệch lãi suất là bao nhiêu; đối tượng hưởng lợi… một cách cụ thể. Bởi thực tế đã từng xảy ra với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lĩnh vực bất động sản, rất nhiều người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng không tiếp cận được.
Theo ông Nhân, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là gọi vốn. Dù đã có những ưu đãi về lãi suất, nhưng DN vẫn khó tiếp cận bởi thủ tục còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, để đầu tư 1 hecta nuôi cá công nghệ cao trong nhà kính, người nông dân phải bỏ chi phí 8 -10 tỷ đồng; hoặc đơn giản là nuôi tôm ao lót vải bạt, phủ lưới lan cũng cần đầu tư mấy trăm triệu đồng. Đây là những con số lớn đối với người nông dân. Tuy nhiên, khi thực hiện vay vốn NH, nông dân chỉ có một tài sản duy nhất là đất để thế chấp, còn các dạng tài sản khác như nhà kính, tư liệu sản xuất sẽ không được chấp nhận. Trong khi đó, đất NN hoặc không được cấp sổ đỏ hoặc là đất thuê. Do đó, thế chấp đất là không khả thi.
Uyên Phương (TPO)
Bình luận (0)