Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xưng hô trong học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Trường học là một môi trường yêu cầu cần có sự giao tiếp chuẩn mực, trong sáng. Đã có rất nhiều ý kiến góp ý, trao đổi về vấn đề này. Thế nhưng nhìn vào thực tế, ta vẫn thấy hoạt động giao tiếp này còn nhiều chỗ bất ổn, nhiều điểm phải bàn.

Theo nhiều giáo viên, việc chuẩn hóa cách xưng hô trong nhà trường cần có sự thuần nhất, hợp lý (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Mỗi người mỗi kiểu…

Trong buổi lễ tổng kết, tri ân và trưởng thành cho học sinh (HS) khối 12 của một trường THPT tại quận Tân Bình, TP.HCM tổ chức năm học vừa rồi, nhiều người rất băn khoăn, thắc mắc trước việc xưng hô của cô giáo trẻ tuổi đời chỉ mới ngoài 20 với các học sinh khối 12. Khó chịu không phải vì thái độ, giọng điệu nói năng, mà là vì cách cô giáo này gọi HS bằng từ “con”. Nhiều giáo viên (GV) tham dự cho rằng, về tuổi đời thì xưng hô cô – con là không phù hợp, là thiếu chuẩn với đối tượng HS khối 12, nhất là ngay trong buổi lễ trưởng thành của các em.

Cách đây chưa lâu, ở một trường THPT, sau một tiết thao giảng cụm môn văn của cô giáo X. ở lớp 10, nhiều GV dự giờ đã trao đổi sôi nổi. Đáng bàn không phải về vấn đề nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy, mà là về cách giao tiếp thật khác thường của cô X. Bởi vì cô đã dùng từ “dạ” với HS khi giao tiếp, phát vấn bài giảng. Nhiều GV không đồng tình với cách xưng hô ấy vì cho rằng như thế là lệch chuẩn, chưa đúng về vị thế, vai trò, tuổi tác của GV với HS. Thậm chí là quá cường điệu và hiếm gặp trong thực tế giao tiếp của học đường.

Chúng tôi đã làm một khảo sát nho nhỏ thì thấy bức tranh chung của việc giao tiếp trong nhà trường từ tiểu học, phổ thông, cho đến ĐH hiện nay còn nhiều chỗ chưa ổn, bất nhất, thiếu hợp lý, phản sư phạm… Có nhiều GV vừa mới ra trường, tuổi đời còn rất trẻ, nhưng lại xưng với HS bậc THPT là “thầy/cô” và “con”. Ngược lại, nhiều GV dạy ở bậc tiểu học, THCS, dù tuổi nghề đã lớn nhưng lại có thói quen xưng hô với HS bậc học này là “tôi” và “anh/chị”. Có GV lại quen tự hạ mình xuống ngang hàng với HS khi gọi họ là “các bạn” và xưng “mình”. Một số GV đơn giản nghĩ rằng, để tạo sự gần gũi, thân mật; hoặc khi tức giận, không kiềm chế được cảm xúc đã xưng hô phá chuẩn, phạm luật là “mày” và “tao”…

Xưng hô ngầm “định danh” đối tượng người học

Luật Giáo dục Việt Nam không có quy định cụ thể phải xưng hô như thế nào, bằng các từ ngữ gì, với từng đối tượng nào. Song luật có quy định người dạy học phải tôn trọng nhân cách người học. Sự tôn trọng ấy thể hiện cả trong việc xưng hô, trong việc giao tiếp. Như thế bản thân mỗi GV phải tự tìm cách giao tiếp cho thật sự sư phạm, cho phù hợp với từng đối tượng HS.

Xưng hô trong học đường không chỉ là một hoạt động giao tiếp. Mà trong nó còn thể hiện sự chuẩn mực, văn hóa và sư phạm. Đặc biệt với nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục HS trưởng thành theo từng bậc học, thì ngoài việc xưng hô thể hiện sự đùm bọc, thương yêu, còn hàm nghĩa “định danh” đối tượng HS, đánh giá mức độ “trưởng thành” của các em. Nếu HS còn quá nhỏ tuổi mà xưng hô từ “anh”, từ “chị” thì không ổn. Hoặc giả, HS đã lớn tuổi như ở bậc THPT mà xưng “con”, xưng “cháu” thì cũng không xong. Một đằng dễ khiến cho HS ngộ nhận mình bị “chín non”, một đằng thì ngầm từ chối khẳng định sự trưởng thành của các em…

Nên xưng hô theo lứa tuổi, theo bậc học

Nếu chịu khó quan sát cách mà các soạn giả dùng các từ ngữ xưng hô với HS trong sách giáo khoa thì sẽ thấy được sự cân nhắc, tinh ý. Chẳng hạn với sách giáo khoa THCS thì dùng từ xưng hô “em”. Nhưng từ lớp 10 trở lên thì họ dùng cách nói “anh, chị”.

Theo chúng tôi, để chuẩn hóa việc xưng hô trong nhà trường, cần phải có một sự thuần nhất, hợp lý. Xưng hô trên cơ sở lứa tuổi và các bậc học. Bậc học thấp thì dùng từ “cháu, con”; lớn hơn thì dùng “em”; và cao hơn thì dùng “anh, chị”. Trong mọi trường hợp, từ phổ quát nhất là “em”. Để làm được điều đó, hơn ai hết, tự bản thân của mỗi GV cần một chút chú ý, cân nhắc khi giao tiếp. Như thế mới mong có được một môi trường hoạt động giao tiếp trong sáng, lành mạnh…

Trần Ngọc Tuấn

Bình luận (0)