Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nên cho trẻ học thêm điều gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Kết quả học kỳ I, điểm tổng kết của cháu gái con chị tôi (đang học lớp 12 ở Thanh Hóa) được 8,0 điểm, và cháu được xếp vào top 15 học sinh giỏi của lớp. Anh chị tôi rất mừng bởi kết quả học kỳ này vượt trội so với năm học lớp 11 chỉ đạt 7,5 điểm. Thấy vậy, tôi cũng mừng cho cháu, tôi hỏi xem anh chị có bí quyết nào để giúp cháu tiến bộ rõ rệt như vậy? Chị tôi vẻ tự hào trả lời: “Nhờ đi học thêm liên tục vào buổi tối ở nhà thầy cô nên cháu mới tiến bộ như vậy, nhất là mấy môn cháu có năng khiếu lại được thầy cô bồi dưỡng thêm nên cháu có kết quả vượt trội”. Chị tôi còn nhấn mạnh về kế hoạch sắp tới: “Cậu biết không, anh chị thống nhất rồi, cho cháu đi học thêm ở nhà thầy cô đến giáp Tết, chơi đúng 2 ngày Tết, còn lại là dành vào việc học. Năm học này cuối cấp nên Tết này gia đình nhất định không cho cháu về quê ngoại đón Tết nữa, khi nào đỗ ĐH thì về quê thoải mái”. Nghe anh chị nói với vẻ hào hứng, quyết tâm thực hiện kế hoạch nên tôi cũng không có ý kiến gì. Hôm sau, tôi gặp cháu tại nhà nên có điều kiện trò chuyện nhiều hơn. Tôi hỏi: “Cháu có cảm thấy thoải mái với thành tích học kỳ vừa qua không?”. Cháu lắc đầu, rụt rè và cũng không tự tin với chính mình. Cháu nói: “Kết quả của cháu có công nhiều của mẹ đấy”. Tôi không hiểu lắm nên hỏi lại thì cháu đáp: “Mẹ thường xuyên đến nhà thầy dạy văn, cô dạy sinh chơi, họ rất thân cậu ạ, có lần cháu còn thấy mẹ đi ăn cơm nhà hàng với cô dạy sinh của cháu. Thực ra môn sinh là môn cháu học kém nhất nhưng kết quả vẫn rất cao”. Bỏ qua chuyện học hành. Tôi lại hỏi tiếp: “Tết này cháu có thích về quê không?”. Cháu lắc đầu và trả lời: “Không phải là cháu không muốn nhưng mẹ muốn cháu phải học thêm, sợ cháu về quê mà bỏ bê học hành”. Nhìn cháu gái học lớp 12 chỉ nặng khoảng 40kg, người xanh xao, gầy gò mà trông thật tội nghiệp.

Câu chuyện của cháu gái tôi có lẽ cũng không phải là hiếm ở nhiều gia đình hiện nay. Đúng là ai cũng muốn con cái giỏi giang nhưng có nhất thiết phải luyện con bằng được theo hình mẫu của cha mẹ đặt ra không? Trong khi đó, lẽ ra ngày Tết cổ truyền thì phải khuyến khích con trẻ thể hiện lễ nghĩa với ông bà, họ hàng qua đó trẻ sẽ học được những bài học đạo đức giá trị. Trẻ sẽ được xả stress sau những ngày học tập căng thẳng để từ đó vững vàng và cân bằng hơn khi đến trường. Đặc biệt, trẻ còn thể hiện sự tri ân của mình với những người khác. Những bài học này sẽ giúp trẻ hình thành nên những giá trị bản thân mà những khối lượng kiến thức sách vở khó mà đem lại được.

Vậy, lẽ nào cha mẹ cứ bắt con phải học thêm quá nhiều? Sao lại không khuyến khích trẻ về quê đón Tết? Chúng ta lẽ nào lại muốn con cái mình trở nên vô cảm với những người trong gia đình và xã hội, coi nhẹ giá trị truyền thống? Lòng hiếu thảo của mỗi con người bao giờ cũng phải bắt nguồn từ chính sự ứng xử của gia đình và từ gia đình mới lan tỏa đến xã hội. Tết chính là thời điểm rất tốt để cho trẻ học thêm được những bài học làm người. Đừng bắt trẻ phải học thêm quá nhiều khi mà kỹ năng ứng xử còn thiếu hụt trầm trọng.

Nguyễn Văn Công (ThS. tâm lý)

Bình luận (0)