Y tế - Văn hóaThư giãn

Thư gửi thầy giáo cũ

Tạp Chí Giáo Dục

… Hôm đầu tiên thầy nhận lớp chủ nhiệm, chúng con cảm thấy lo và sờ sợ thầy nhiều lắm, vì khuôn mặt thầy nghiêm nghị quá. Mãi sau này con mới hiểu, đằng sau sự lạnh lùng ấy là một trái tim đầy tình thương mến học trò. Đó là nguyên tắc làm thầy mà mãi sau này con mới nhận ra: thương yêu trong sự nghiêm khắc!

Thầy đã cho chúng con những bài học bổ ích không chỉ trong sách vở mà cả ngoài cuộc sống. Còn nhớ hôm ấy, vì xe hỏng nên con vào lớp trễ sau thầy. Con lẳng lặng trốn vào cửa cuối lớp để mong thầy đừng thấy. Nhưng thầy cũng phát hiện ra. Thầy bảo con vào lớp đường nào thì ra lại đường ấy, rồi lên cửa trước xin thầy vào lớp. Thế rồi thầy không phạt con, thầy chỉ bảo rằng: “Không tiếc gì một lời xin phép, phải ngay thẳng thật thà, thói quen đi “cửa sau” này phải nên từ bỏ, vì nó sẽ hình thành nên đức tính xấu sau này!”. Thầy nói pha giọng hài hước làm cho cả lớp phải cười, nhưng chúng con đều nhận ra sự sâu sắc ấy!

Tiết học đầu tiên của thầy rất ấn tượng. Thầy chỉ yêu cầu cả lớp viết một lá đơn xin phép với một lý do hợp lý nào đó. Ai cũng nghĩ là mình viết tốt, điểm cao. Nhưng khi trả bài, chúng con mới biết mình mắc lỗi nhiều quá. Thầy bảo: “Học văn và tiếng Việt là để ứng dụng vào cuộc sống. Phải tập rèn từ những văn bản đơn giản nhất!”.

Bài học đầu tiên của thầy dạy con, con còn nhớ như in. Chép nhan đề bài học lên bảng xong, thầy rảo bước quanh lớp kiểm tra việc ghi bài. Chúng con mỗi đứa ghi mỗi kiểu, nhưng chẳng ai đạt yêu cầu cả. Thầy bảo: “Phải giữ gìn sự trong sáng và chuẩn mực cho chữ viết để cho bài học “đẹp” lên, vì ai cũng chỉ ghi bài học ấy một lần trong đời!”.

Khi nhắc nhở chúng con thầy cũng rất nhẹ nhàng. Một số bạn ngồi học không ngay ngắn thì thầy bảo phải ngồi tư thế cho thẳng để có cái tâm cho sáng, cái tính cho thẳng. Nhiều bạn nam tóc dài chưa kịp cắt, thế mà thầy cũng nhắc khéo bằng ca dao: “Đàn bà để tóc thì sang/ Đàn ông để tóc chỉ mang nặng đầu”!

Nhớ hôm thầy ra 3 đề cho chúng con kiểm tra ở 3 mức độ dễ, tương đối khó và khó với các mức điểm tương ứng khác nhau. Cả lớp rất ít bạn chọn đề khó để làm vì sợ mất điểm. Khi trả bài, thầy không chấm bài làm mà chỉ bảo: “Em nào chọn đề nào để làm thì được số điểm tương ứng, bất luận đúng sai”. Chúng con không đứa nào thắc mắc, vì biết rằng thầy không kiểm tra kiến thức mà là kiểm tra bản lĩnh, sự tự tin của chúng con. 

Con còn nhớ câu chuyện thầy xử lý với bạn Nguyên, một cá biệt của lớp. Thầy cứ bảo bạn ấy rằng bao giờ lỗi của em cũng như “giọt nước tràn ly”. Hôm đó Nguyên có ý so bì với một bạn khác vi phạm lỗi rất nặng, nhưng là lần đầu, được thầy xử nhẹ. Thầy lấy một viên phấn bẻ ra thành nhiều cục nhỏ, thầy ném ra nhiều góc lớp và bảo Nguyên đi nhặt. Nó không tài nào nhặt hết được. Sau đó thầy lấy viên phấn khác, không bẻ ra và ném vào góc bàn. Bạn vi phạm lần đầu ấy dễ dàng nhặt lại được. Thầy lý giải cho cả lớp: Các em thấy đấy, mặc dù phạm lỗi nặng nhưng là lần đầu nên dễ dàng sửa chữa như nhặt lại viên phấn nguyên kia. Còn những hành vi xấu, mặc dù nhẹ, nhưng cứ lặp đi lặp lại thì khó thay đổi vô cùng. Đừng gieo hành vi xấu để gặt thói quen xấu sau này!”. Con nghĩ rằng bạn Nguyên đã hiểu ra. Và con cũng báo tin vui cho thầy là bạn Nguyên hiện nay có nghề nghiệp hẳn hoi. Gặp nó, nó bảo rằng ngày đó nhờ thầy “chiếu cố” mà nó thành người như hôm nay, chứ biết bao đứa cá biệt khác bị đuổi học, bị đẩy ra ngoài xã hội sớm thì tương lai mờ mịt lắm!

Tấm gương của thầy đã giúp con chọn theo nghề dạy học. Thầy cũng đã tư vấn cho con rằng chọn nghề phải dựa trên những tiêu chí: sở thích, đam mê; năng lực, sở trường; và nhu cầu xã hội, vừa để đảm bảo đời sống lâu dài. Con biết dạy học là nghề khó khăn, ít kiếm ra tiền, chúng bạn không mấy người đi theo. Nhưng con cố gắng theo đuổi nó. Và cố gắng trở thành một giáo viên tốt có “phong cách” như thầy!

Trần Ngọc Tuấn

Bình luận (0)