Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những hành động cha mẹ nên làm để không biến con mình thành người nhút nhát

Tạp Chí Giáo Dục

Chúng ta có thể giúp trẻ em theo nhiều cách thức để giúp chúng quên đi sự nhút nhát của mình và tỏ ra dũng cảm, táo bạo, và tự hào về bản thân mình.

Hiểu đúng về "nhút nhát"

Tổ chức tâm lý học Mỹ cho rằng sự nhút nhát là “xu hướng cảm thấy lúng túng, lo lắng hoặc căng thẳng khi gặp gỡ người khác, đặc biệt là đối với người lạ”. Điều quan trọng cần lưu ý là nhút nhát không giống với tính hướng nội, mặc dù chúng thường được gộp vào với nhau.

Một người hướng nội chỉ thích hoạt động với một nhóm nhỏ và thường quan sát kỹ trước khi xử lý tình huống. Còn một người nhút nhát có thể muốn làm việc với người khác, có một mối quan hệ rộng hoặc tới dự một bữa tiệc “tới bến” nhưng họ lại cảm thấy căng thẳng khi làm những việc như vậy.

Nhút nhát thường phát triển nhanh hơn trong khi hướng nội chỉ là một đặc điểm tính cách mà có thể kéo dài đến tận tuổi trưởng thành.

Nếu con bạn có vẻ như thích nhìn những đứa trẻ khác chơi hoặc chỉ làm gì đó một mình, trong trường hợp đó trẻ có thể là một người hướng nội. Và như vậy thì không nhất thiết phải thay đổi gì đó hay cái gì đó cần phải được thay đổi ở trẻ.

Nếu con bạn rõ ràng muốn chơi với những đứa trẻ khác nhưng lại cảm thấy căng thẳng về việc đó hay cảm thấy lo lắng khi thử làm vậy thì đó có lẽ là do sự nhút nhát của trẻ và bạn có thể tham khảo những cách sau đây để giúp trẻ vượt qua được tính nhút nhát đó của mình:

1. Cho bé tự xử lý những tình huống mới

Sự nhút nhát được thể hiện rõ ràng hơn cả trong những tình huống đối với người không thân thiết. Những bé nhút nhát thường không thích những điều bất ngờ, lại càng không thích những chuyện ập đến với chúng. Cha mẹ nên nói trước cho bé những tình huống sắp xảy ra và những điều đáng để mong đợi.

2. Nếu có thể, hãy để bé từ từ thích nghi

Trong những tình huống chưa từng gặp, chúng ta rất dễ bị choáng ngợp. Nếu bạn nghĩ rằng có rất nhiều người, nhiều nơi, nhiều thói quen mà bé nên gặp gỡ, nên có thì bạn hãy giúp bé bằng cách giới thiệu cho bé từ trước để bé có thời gian chuẩn bị và thích nghi từ từ.

Hãy đưa bé đến gặp thầy cô, đến trường trước những buổi học đầu tiên. Hãy cho bé gặp gỡ và chơi đùa với những người bạn mới trước khi nhập học, để chúng thân thiết với nhau hơn.

Hay bạn có thể chơi trò đóng vai với bé: để bé vào vai gặp gỡ bạn bè hoặc người cần yêu cầu thầy cô giúp đỡ, để bé chuẩn bị tốt hơn.

3. Động viên trẻ bộc lộ cảm xúc của mình

Cũng giống như người lớn, nhiều bé không muốn nói (hoặc không biết làm thế nào để nói) khi mình cảm thấy khó chịu. Nếu con của bạn không thể truyền đạt lại cảm xúc ấy cho bạn, hãy khích lệ bé bằng cách giao cho bé một nhiệm vụ để hoàn thành hoặc trò chuyện với bé về một tình huống tương tự.

Hãy gợi ý cho bé vẽ một bức tranh để diễn tả nỗi sợ hãi của chính mình, viết về chuyện của mình khi ngày đầu tiên đến trường mầm non hay giả sử đóng vai một con vật đang lẻ loi trên sân chơi và muốn nhập hội với một nhóm các con vật khác.

4. Đừng đi đâu cũng nói rằng con mình nhút nhát

Nếu bé đang do dự trước một tình huống nào đó, bạn đừng nói với thầy cô hay bạn bè của bé: “Nó xấu hổ đấy”. Điều này sẽ càng làm bé bối rối và xấu hổ, bé sẽ tự hỏi mình rằng: “Xấu hổ là gì cơ? Nó là vấn đề của mình đấy à? Mình làm mẹ thất vọng lắm sao?”

Đây cũng có thể trở thành cái cớ cho con bạn: “Vì mình xấu hổ nên mình không cần thử những điều mới mẻ hay tỏ ra lịch sự làm gì”.

5. Dạy trẻ phải cư xử lịch sự cho dù chúng có sợ hãi đi chăng nữa

Tôi luôn cố gắng dạy các con của mình rằng ngay cả khi chúng đang lo lắng hoặc cảm thấy không tự tin, chúng vẫn có thể tỏ ra lịch sự. Nếu một người lớn hoặc một đứa trẻ chào con gái tôi, tôi hy vọng bé sẽ đáp lại (thậm chí nếu bé trốn đằng sau chân tôi khi bé nói cũng chẳng sao). Tôi cũng hy vọng bé sẽ nói tên cô ấy khi có ai đó hỏi và nói lời cảm ơn khi có người đem lại cho bé một cái gì đó.

Tôi nghĩ rằng luôn có một ranh giới rõ ràng khi dạy bé cách tỏ ra lịch sự hay để mặc bé cư xử thô lỗ. Tôi không đồng ý khi bé nhăn mặt với lời chào hỏi của người khác. Tôi biết rằng khi đến với những môi trường mới, con người ta sẽ phải kết bạn, nhưng chẳng ai muốn kết bạn với những người khó gần, thậm chí là thô lỗ – chỉ với lý do là họ nhút nhát cả.

6. Không bao giờ để chúng thấy bạn căng thẳng đến mức đổ mồ hôi

Khi sự lo lắng của bạn làm con bạn lo lắng, mọi thứ sẽ càng trở nên phức tạp hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, những đứa trẻ nhút nhát có xu hướng rất nhạy cảm và trẻ em nhạy cảm lại phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của người khác, nhất là cha mẹ của chúng. Vì vậy, khi bạn bồn chồn, chúng cũng căng thẳng theo.

Điều này có nghĩa là chúng ta phải luôn tỏ ra thoải mái, nhất là trong những tình huống chưa từng xử lí. Nếu trẻ giữ im lặng, bạn hãy nói chuyện một cách cởi mở với bé để giúp bé giữ bình tĩnh.

7. Khen ngợi và sửa sai cho bé một cách riêng tư

Trẻ em nhút nhát không muốn trở thành trung tâm của sự chú ý, dù đó là điều tốt hay xấu. Nếu bạn thấy bé xấu hổ, ngay cả khi bạn đang khen ngợi bé trước mặt người khác, thì đừng bàn luận hay ca ngợi bé ở nơi công cộng. Hãy khen ngợi ngắn gọn và không thường xuyên hoặc chỉ khen ngợi bé khi bạn đang một mình với bé.

Và, trừ khi con của bạn có hành vi tàn bạo, phá hoại trước mọi người (mà có lẽ bé sẽ ít khi làm vì không muốn bị chú ý), đừng chỉnh sửa hành vi của bé cho đến lúc về nhà.

8. Đừng đến muộn

Cho dù bạn đang cho bé theo  một lớp học dài giờ, một buổi hay cả một ngày ở trường, bé sẽ thích nghi tốt hơn nếu bé là một trong những người đầu tiên đến lớp thay vì là người cuối cùng.

Bé cũng căng thẳng khi cha mẹ đến đón muộn. Bé lo lắng khi là trung tâm của sự chú ý và xấu hổ khi giáo viên hoặc ai đó phải chờ đợi mình. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên nếu bạn thấy đôi vai rũ xuống khi bạn đến đón bé muộn.

9. Cho bé một chỗ dựa

Nếu được, hãy cho con bạn một món đồ chơi mà bé có thể mang theo và nói với những đứa trẻ khác. Đó là một bước đệm, một khởi đầu dễ dàng cho một cuộc trò chuyện, và một cái gì đó để tập trung vào ngoài bản thân chúng.

Bé cũng có thể giảm bớt sự lo lắng khi có một cái gì đó quen thuộc trong tay của mình.

10. Giúp bé thu hẹp sự tập trung hoặc cho bé một lựa chọn thoải mái hơn

Sau nhiều năm dạy nhảy, tôi đã rút ra một kết luận: nếu tôi bật một bài hát và nói: “Đây là một điệu nhảy tự do. Hãy nhảy theo ý mà bạn muốn”, sẽ có ít nhất một học sinh chỉ đứng im trong suốt bài hát. Nhưng nếu tôi cho chúng một dải lụa hay một cảm xúc gì đó để diễn tả, tất cả học sinh sẽ nhảy một cách tự do.

Một hướng dẫn đơn giản, hay cho chúng một lựa chọn thì tốt hơn là để chúng bị choáng ngợp bởi quá nhiều lựa chọn.

Khi chơi trò chơi, hãy khuyến khích các bé nhập cuộc thay vì cứ đứng nhìn chằm chằm nhau một cách ngượng ngùng.

11. Một giáo viên tốt là trợ thủ đắc lực của bạn

Lớp học và thể thao là chìa khóa để giúp bé hội nhập xã hội bởi vì chúng không tập trung vào giảng dạy vấn đề này. Chúng sẽ tập trung vào việc đá bóng hay vẽ tranh, và sự tương tác với những đứa trẻ khác chỉ là thứ yếu.

Giáo viên và huấn luyện viên giỏi (cho dù họ chỉ dạy một giờ thể dục trong vài giờ hay dạy cả một ngày ở trường) biết chính xác làm thế nào để giúp trẻ em nhút nhát thay đổi. Và, bạn có tin hay không, bạn giúp đỡ trẻ lại không phải là điều tốt nhất.

Tôi đã nhìn thấy nhiều trẻ em nhút nhát thích nghi nhanh hơn mà không cần cha mẹ của họ xung quanh. Vì vậy, theo lời khuyên của một giáo viên, tốt nhất bạn nên rời khỏi phòng của bé.

12. Cho con mình theo học các lớp nghệ thuật

Có vẻ hoàn toàn khác thường khi đưa một đứa trẻ nhút nhát đến một lớp học diễn xuất nhưng nhiều đứa trẻ nhút nhát thực sự nổi bật trên sân khấu, bởi vì chúng đang hành động như một người nào khác. Chúng đang đóng vai một nhân vật và bản thân chúng không hề liên quan. Điều này giảm rất nhiều áp lực cho bé.

Là một giáo viên và là một người mẹ, tôi đã nhận thấy diễn xuất, vũ đạo, và các lớp học âm nhạc hữu ích với trẻ em nhút nhát vô cùng. Diễn xuất là một kỹ năng đặc biệt hữu ích vì nó khuyến khích sự tự tin và óc hài hước của trẻ.

13. Hãy để cho chúng là những gì mà chúng thực sự giỏi

Giúp con của bạn tìm thấy điều mà mình đam mê và sau đó bạn sẽ giúp được bé tìm ra con người thật của mình. Tôi đã nhìn thấy đam mê nhiều lần trong nghệ thuật, nhưng tôi chắc chắn rằng nó cũng được áp dụng cho các môn thể thao và các hoạt động khác.

Khi một đứa trẻ rất thích ca hát, bé sẽ giao tiếp dễ dàng hơn trong một lớp học âm nhạc bởi vì bé cảm thấy thoải mái và có một điểm chung với những đứa trẻ khác trong lớp.

Câu lạc bộ Lego, các trại karate, các lớp học ngôn ngữ ngâm, xưởng mỹ nghệ, trường âm nhạc, các liên đoàn thể thao địa phương, nhà hát cộng đồng – rất nhiều lựa chọn để mà con cái chúng ta có thể sẽ đam mê. Và nếu không có một cơ sở nào ở gần bạn, bạn có thể tự mình bắt đầu hoặc tìm kiếm trên mạng.

Khánh Linh/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)