Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giảm áp lực cho giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Đánh giá học sinh theo các mức A, B, C; trao quyền chủ động cho giáo viên khi nhận xét… là những thay đổi đáng chú ý trong nội dung sửa đổi Thông tư 30 (đánh giá học sinh tiểu học) bắt đầu áp dụng từ năm học mới.
Thông tư sửa đổi dự kiến vẫn giữ quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không dùng điểm số. Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết việc sửa thông tư tuân thủ theo nguyên tắc hàng đầu là vì lợi ích của học sinh (HS), giúp giáo viên (GV) dễ thực hiện hơn, giảm áp lực ghi chép sổ sách.

Giáo viên tiểu học sẽ không còn áp lực về sổ sách khi áp dụng Thông tư 30 sửa đổi  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giáo viên tiểu học sẽ không còn áp lực về sổ sách khi áp dụng Thông tư 30 sửa đổi. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lượng hóa bằng A, B, C
Ông Định cho biết: “Để giúp cha mẹ HS nắm bắt được mức độ học tập, rèn luyện của con em, dự thảo đã bổ sung, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C đối với từng môn học và cả năng lực phẩm chất của HS vào giữa và cuối mỗi học kỳ”.
Cụ thể, mức A: nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục. Mức B: nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục. Mức C: dành cho những HS chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng và chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập…
Tương tự, đối với việc đánh giá năng lực, phẩm chất, giữa và cuối mỗi học kỳ, GV chủ nhiệm căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, đánh giá mức độ hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi HS theo mức A (nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin), mức B (nhận thức được, làm được, chưa thật hứng thú, chưa thật tự tin) và mức C (nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm được, chưa hứng thú, thiếu tự tin).
Kết quả học tập đối với các môn học tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ, tin học sẽ được đánh giá bằng bài kiểm tra (có chấm điểm bắt buộc) thực hiện vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học.
Học sinh nào được khen thưởng
Dự thảo sửa đổi quy định, HS được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đặt các điều kiện cụ thể: tổng hợp đánh giá thường xuyên kết quả học tập từng môn học và hoạt động giáo dục cũng như năng lực và phẩm chất cuối năm học đạt mức A hoặc B; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học phải đạt điểm 5/10 trở lên.
Đối với việc khen thưởng cuối năm học: HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện phải có kết quả đánh giá các môn học, các năng lực, phẩm chất đạt mức A; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn đạt 9/10 điểm trở lên. HS hoàn thành tốt có ít nhất 50% các môn học đạt mức A, các môn học còn lại đạt mức B; các năng lực, phẩm chất đạt mức A hoặc mức B; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn đạt 7 điểm trở lên.
HS có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được GV giới thiệu và tập thể lớp công nhận.
Giáo viên chủ động về nhận xét
Thông tư sửa đổi không quy định hằng tháng GV phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. GV được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân cho phù hợp. GV có thể dùng lời nói, ký hiệu, chỉ ra cho HS biết chỗ đúng, chưa đúng, cách sửa chữa, biết những yêu cầu để nhớ, thực hiện; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của HS khi cần thiết, để có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.
Theo quy định hiện hành, hồ sơ đánh giá từng năm học của HS gồm: học bạ; sổ theo dõi chất lượng giáo dục; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học; phiếu hoặc sổ liên lạc trao đổi ý kiến của cha mẹ HS; giấy chứng nhận, giấy khen, xác nhận thành tích của HS trong năm học (nếu có). Dự thảo sửa đổi sẽ chỉ còn học bạ của HS và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.
Cho điểm ở lớp 4, 5
Nếu ở lớp 1, 2, 3 chủ yếu là đánh giá bằng nhận xét tích cực, chỉ cần kiểm tra vào cuối kỳ 1 và cuối năm học thì dự thảo Thông tư 30 sửa đổi dự kiến sẽ tăng cường chấm điểm hơn đối với lớp 4, 5. Cụ thể, lớp 4, 5 sẽ có thêm bài kiểm tra đối với môn tiếng Việt, môn toán vào giữa học kỳ 1 và học kỳ 2. Bộ GD-ĐT lý giải để HS làm quen và tiếp cận với yêu cầu về kiểm tra, đánh giá ở cấp THCS.
Dự thảo có thay đổi đáng chú ý trong quy định xét hoàn thành chương trình tiểu học. Đối với HS lớp 5, tổ chuyên môn của các trường tiểu học sẽ ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm học cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường THCS cùng địa bàn.

Tuệ Nguyễn (TNO)

 

Bình luận (0)