Đó là ý kiến của TS Vũ Xuân Hùng – viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề tại hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020: thực trạng và giải pháp” sáng 9-9 do Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM tổ chức.
TS Vũ Xuân Hùng trình bày những thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam tại hội thảo – Ảnh: VŨ THỦY |
Theo ông Hùng, cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam đã phát triển theo hướng ngày càng gia tăng bất cập, tình trạng thừa thầy thiếu thợ ngày càng tăng. Tính đến quý 2-2015, cơ cấu nhân lực Việt Nam là 1 đại học – 0,35 cao đẳng – 0,65 trung cấp – 0,4 sơ cấp.
Những con số thống kê lượng sinh viên tốt nghiệp những năm gần đây cho thấy sự “leo thang” bất cập trong cơ cấu trình độ lao động: quý 1-2014: 162.000 sinh viên tốt nghiệp, quý 1-2015: 177.000 sinh viên, quý 2-2016: 191.000 sinh viên.
“Điều này đi ngược với quy luật của thị trường lao động là những người lao động trực tiếp (trình độ trung cấp, sơ cấp) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (đại học).
Trong khi đó, “cơ cấu này năm 1979 khá hơn rất nhiều: 1 người đại học – 4 người trung cấp – 7 lao động sơ cấp”, TS Hùng nêu.
TS Hùng dẫn câu nói của Bác Hồ năm 1957: “Thi đỗ tiểu học rồi thì muốn lên trung học, đỗ trung học rồi thì muốn lên đại học. Riêng với mỗi cá nhân học sinh thì ý muốn ấy không có gì lạ nhưng chung với Nhà nước thì ước muốn ấy trở thành vô lý”.
TS Hùng cho rằng câu nói của Bác đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. “Học xong trung học cơ sở thì phải vào thị trường lao động, chỉ một phần chóp nhỏ đi vào trình độ đại học theo hướng hàn lâm. Như vậy mới phù hợp với thị trường lao động. Chúng ta cần khắc phục bất cập này. Nhà nước không khắc phục được thì sẽ là lãng phí vô cùng, lãng phí của xã hội, của Nhà nước, của người dân”, TS Hùng chỉ rõ.
Chưa sẵn sàng “dịch chuyển”
Cũng theo TS Vũ Xuân Hùng, cơ cấu nhân lực phát triển mất cân đối như vậy đồng thời chất lượng lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo lại quá thấp. Tính đến quý 2-2015, lực lượng lao động đã qua đào tạo, có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 20,62%. Về chất lượng nhân lực, Việt Nam chỉ đạt 3,8/10, xếp áp chót 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Hệ quả của chất lượng lao động thấp và nghịch lý thừa thầy thiếu thợ trong cơ cấu lao động là năng suất lao động thấp.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp không chỉ ở châu Á – Thái Bình Dương mà cả ở ASEAN.
“1 người Singapore bằng 15 người Việt Nam, 1 người Malaysia bằng 5 người Việt Nam, 2 người Thái Lan bằng 5 người Việt Nam là những điều chúng ta đã nghe rất nhiều nhưng chưa giải quyết được”, TS Hùng nêu.
Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh của Việt Nam trên mặt bằng chung cũng thua nhiều nước trong khu vực.
“Mặc dù Cộng đồng ASEAN đã hình thành với việc lao động qua đào tạo được di chuyển tự do giữa các nước thông qua các thỏa thuận công nhận lẫn nhau, tuy nhiên với chất lượng lao động quá thấp, trình độ ngoại ngữ thấp… thì rõ ràng lao động Việt Nam chưa chuẩn bị tâm thế để di chuyển lao động”, TS Hùng nhận định.
VŨ THỦY/TTO
Bình luận (0)