Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thiếu gỗ đóng tàu cá

Tạp Chí Giáo Dục

Trong vòng 3 tháng qua, các loại gỗ nguyên liệu dùng để đóng tàu cá tại tỉnh Bình Định trở nên khan hiếm và tăng giá rất nhanh khiến ngư dân gặp khó khăn.
Theo các chủ cơ sở đóng tàu tại H.Hoài Nhơn (Bình Định), trên thị trường hiện không thiếu gỗ nhưng gỗ đúng quy cách để đóng tàu thì rất ít. Gỗ sao và gỗ sến là loại chủ lực trong đóng mới tàu cá vỏ gỗ của ngư dân, chiếm đến 40% tổng lượng gỗ cần sử dụng. Loại gỗ này có mủ tiết ra mùi đặc trưng khiến hàu không bám vào được. Ngoài ra, khi đóng tàu còn phải dùng các loại gỗ có sức chống chịu tốt như: trâm, sao cát, dẻ, sầm ná… Những loại gỗ này thường được các thương lái mua từ Lào nhưng thời gian gần đây các loại gỗ từ Lào nhập về đều bị xẻ nhỏ nên không đủ quy cách để đóng tàu.

Đóng mới tàu cá vỏ gỗ ở Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan. /// ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Đóng mới tàu cá vỏ gỗ ở Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan

Trước đây 3 tháng, gỗ sao có giá 12 – 13 triệu đồng/m3 nhưng hiện đã tăng đến 17 – 18 triệu đồng/m3, gỗ sến mủ tăng từ 15 triệu đồng lên đến 20 triệu đồng/m3. Các loại gỗ khác tăng từ 8 triệu đồng lên 10 – 11 triệu đồng/m3. Trong khi đó, để đóng một tàu đánh bắt cá ngừ đại dương có chiều dài khoảng 17 – 18 m phải tốn khoảng 80 m3 gỗ, còn đóng tàu hành nghề lưới vây dài 21 – 23 m tốn đến 120 m3 gỗ.
“Khi đóng tàu cá, cần thanh gỗ rất dài để làm “long cốt”, được xem như xương sống của con tàu. Nếu không có thanh gỗ này thì chúng tôi không thể đóng các loại tàu cá to được. Gỗ nguyên liệu đóng tàu đắt đỏ và khan hiếm nên nhiều khi có tiền cũng không mua được. Hiện giá thành khi đóng xong con tàu vỏ gỗ tăng cao khiến ngư dân và các cơ sở đóng tàu gặp khó khăn”, ông Bùi Thanh Ninh, chủ một cơ sở đóng tàu ở xã Tam Quan Bắc (H.Hoài Nhơn), giải thích.
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (H.Hoài Nhơn), cho biết đơn vị nhận được rất nhiều đơn đặt hàng đóng tàu nhưng số lượng gỗ làm “long cốt” trong kho chỉ còn đủ dùng trong quý 3. Nếu nguyên liệu gỗ đóng tàu tiếp tục khan hiếm, các tàu đóng mới sau này phải dùng đến biện pháp ghép nối “long cốt”. Tuy nhiên, đa số ngư dân đều cho rằng “long cốt” ghép nối sẽ khiến con tàu không thể chịu nổi tác động của sóng gió.
“Tình trạng khan hiếm gỗ nguyên liệu đóng tàu cá như hiện nay đã được lãnh đạo H.Hoài Nhơn lường từ trước. Chúng tôi đã có quy hoạch xây dựng xưởng đóng tàu vỏ sắt và tuyên truyền ngư dân đóng tàu vỏ sắt thay thế cho tàu vỏ gỗ. Trong năm nay, một xưởng đóng tàu vỏ sắt sẽ được khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích 4,4 ha tại cửa biển Tam Quan”, ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND H.Hoài Nhơn, cho biết.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, số lượng tàu vỏ gỗ đóng mới ở địa phương liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2012, ngư dân Bình Định đóng mới được 158 tàu, đến năm 2013 đóng 275 tàu, năm 2015 đóng mới 250 tàu cá. Từ đầu năm 2016 đến nay, chỉ riêng Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan đã đóng mới gần 150 chiếc tàu vỏ gỗ. Mỗi năm, ngư dân trong tỉnh đầu tư khoảng 500 tỉ đồng để đóng mới tàu cá công suất lớn từ 400 đến 1.000 CV để tham gia đánh bắt xa bờ. Hiện 10 cơ sở ở Bình Định được Bộ NN-PTNT cấp phép đóng tàu cá theo Nghị định 67 và nhiều cơ sở đóng tàu khác ở địa phương đều quá tải vì nhu cầu đóng mới tàu vỏ gỗ của ngư dân tăng quá nhanh.

Hoàng Trọng (TNO)

 

Bình luận (0)