Lẽ ra phải được xử lý và giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nhưng các loại bao bì hóa chất công nghiệp được xem là rác thải nguy hại đang mua bán tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), những thùng chứa hóa chất công nghiệp được xếp vào hạng rác thải nguy hại, phải được xử lý và giám sát chặt chẽ. Thế nhưng, “nguồn độc hại” này đang được rao bán tràn lan.
Đầu tháng 9.2016, PV Thanh Niên liên lạc với nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng này đều nhận được câu trả lời “có rất nhiều, muốn mua bao nhiêu đều đáp ứng được”. Bà K., đại diện một doanh nghiệp mua bán thùng chứa hóa chất có địa chỉ tại Q.10 (TP.HCM), khẳng định: “Các loại thùng chứa hóa chất đã qua sử dụng chúng tôi có bán nhiều, nhưng không cho khách xem vì đây là hàng nhạy cảm, công an biết thì nguy hiểm”. Chủ cơ sở tên X. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng quả quyết: “Bên tôi có nguyên kho dưới Đồng Nai, nhưng phải ký hợp đồng, đặt cọc tiền trước mới có người dẫn đi xem hàng”.
Ông B., chủ cơ sở mua bán thùng phuy (QL1, P.Đông Hưng Thuận, Q.12), giới thiệu: “Tại cơ sở tôi mua bao nhiêu cũng có. Tôi thường bỏ mối, bán lẻ về các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây nguyên để họ làm bè nuôi cá, tôm hoặc đựng nước sinh hoạt”. Cơ sở ông B. là bãi đất trống nằm ngay mặt đường QL1, bên trong chứa nhiều thùng hóa chất lớn, nhỏ các loại. Những loại này được ông thu mua từ các công ty dệt, nhuộm, mỹ phẩm… về tẩy rửa rồi bán lại các mối. Thùng loại lớn có giá 350.000 đồng/cái, thùng nhỏ (loại 20 lít) có giá 45.000 đồng/cái.
Ngày 13.9, theo chân một người mua bán thùng hóa chất, PV Thanh Niên xâm nhập vào kho bãi chứa các thùng hóa chất độc hại của một người đàn ông tên Th. (ấp 3, xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Kho của ông Th. rộng hơn 1.000 m2 nằm gần đường Phạm Văn Diêu (giáp ranh giữa TP.Biên Hòa, Đồng Nai và TX.Dĩ An, Bình Dương) được xem là cơ sở “bất khả xâm phạm” với người lạ mặt. Ẩn mình trong khu rừng tràm, cơ sở ông Th. là đại lý thu mua thùng phuy chứa hóa chất công nghiệp có tiếng tại khu vực TP.Biên Hòa và Bình Dương.
Bước vào cơ sở ông Th., hàng nghìn thùng phuy được súc rửa chất chồng lên cao hơn 3 m và mùi hóa chất xộc vào mũi. Bên cạnh đó là cả nghìn chiếc thùng phuy nằm la liệt chờ súc rửa. Tại đây có một máy bơm, vòi nước dùng để súc rửa các loại thùng chứa hóa chất. Hóa chất tẩy rửa được xả thẳng ra kênh gần đó. “Tôi làm hơn hai năm qua, bán nhiều nơi từ Bình Định, Phú Yên, các tỉnh Tây nguyên, miền Tây mà có thấy ai bị gì đâu. Họ mua về làm bè cá, đựng nước sinh hoạt, nước mắm, rượu…”, ông Th. kể.
Theo ông, để thu mua những loại thùng hóa chất đã qua sử dụng này thì “phải có mối quen, móc nối thành đường dây trong các công ty sản xuất hàng công nghiệp”. Còn người lạ thì không thể mua do đây là hàng cấm bán ra ngoài.
Có khả năng gây ung thư
Theo ông Nguyễn Đình Độ, chuyên gia hóa học, các thùng phuy đựng hóa chất, thuốc trừ sâu, dung môi… đa phần được làm từ nhựa tái sinh nên khả năng hấp thụ các chất trong thùng chứa vào cấu trúc vật liệu của thùng là rất cao, vì thế không đơn giản cứ súc, rửa là xong.
Đặc biệt, một số hóa chất được đựng trong thùng chứa chỉ tan trong những dung môi nhất định, không tan trong nước, nên việc súc rửa bằng xà phòng trong trường hợp này là không có tác dụng. Ngoài ra, các hóa chất trong ngành dệt, nhuộm, da giày thường chứa thành phần kim loại nặng, trong đó có loại chứa gốc benzene hoặc là dẫn xuất của aniline… có khả năng gây ung thư nên mức độ nguy hiểm rất đáng báo động. Một số loại thùng phuy có in rõ quy định phải tiêu hủy, không tái sử dụng.
“Tóm lại, không nên dùng các thùng phuy, bao bì… đã chứa các hóa chất như thuốc trừ sâu, hóa chất dệt nhộm… để chứa nước, thực phẩm vì người sử dụng sẽ bị phơi nhiễm các hóa chất tồn dư”, ông Độ nói.
|
Công Nguyên (TNO)
Bình luận (0)