Không bảng hiệu lấp lánh, không ồn ào phô trương… là một loạt cửa hiệu đang tồn tại lặng lẽ trong các chung cư cũ ở Sài Gòn.
Đó là chung cư Tôn Thất Đạm (14, đường Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM), nơi được giới trẻ Sài Gòn truyền tai nhau vì có nhiều cửa hàng thời trang giá rẻ, những quán cà phê lãng mạng và đậm “chất” hoài cổ.
Đổi thay
Cũng như những chung cư cũ ở Sài Gòn, chung cư Tôn Thất Đạm ngày nay vẫn giữ nguyên được nguyên hình dáng từ khi mới xây dựng.
Phía bên ngoài tiếp giáp với đường Tôn Thất Đạm, đối diện là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, gồm 1 tầng trệt và 4 tầng lầu. Bên phải có tầm nhìn đẹp có hướng về kênh Tàu Hủ. Chung cư được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc – năm 1886 của thế kỷ trước. Sau năm 1975, căn hộ trong chung cư được cấp lại cho những cán bộ và họ sống đến bây giờ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trường tổ dân phố kiêm Trưởng Ban quản trị chung cư Tôn Thất Đạm cho biết, ban đầu nơi đây chỉ xuất hiện quán cà phê của một nghệ sĩ ở tầng 1. Dần dần khách kéo đến ngày một đông nên nhiều người khác cũng muốn thử vận may kinh doanh.
Khoảng 5 năm trở lại, giờ chung cư đã có thêm 3 quán cà phê, 1 quán bar, 11 shop quần áo thời trang và dịch vụ khác nằm len lõi trong mọi ngóc ngách các tầng trong chung cư. Khách đến đây đa phần là những người trẻ, người nước ngoài.
Đổi thay theo kinh tế thị trường
|
Bà Thu Hà nói thêm, thời gian trước cư dân đa phần là cán bộ nhà nước. Cuộc sống tương đối khó khăn, mỗi nhà đều có cuộc sống riêng. Chung cư cũng vì thế lặng lẽ im ắng theo. Chỉ khi họp tổ hay tụ tập phía vòi nước chung thì chòm xóm mới có cơ hội nói chuyện với nhau.
Từ ngày chung cư được chú ý, khách đến đây nhiều hơn, một phần do lời đồn về sự cổ kính. Nhiều bạn trẻ tìm đến chụp ảnh, quay phim, xả rác gây mất trật tự, đảo lộn cuộc sống bình thường.
Thấy vậy bà Hà cùng nhiều người dân tiến hành họp tổ bàn bạc ra quyết định thu một phần nhỏ chi phí những người đến quay phim chụp ảnh. Việc thu này theo bà để dùng vào quỹ quét dọn, bảo trì và cấp tiền nuôi dưỡng một bà mẹ Việt Nam anh hùng tại đây.
Khi các cửa hàng buôn bán tấp nập, những suy nghĩ của cư dân cũng dần thay đổi với tình hình mới của cuộc sống. Những người lạ ra vào cũng không còn phiền hà như trước. Trong số 46 hộ sống ở đây, hiện chỉ còn 20 hộ, số còn lại đều đã bán nhà khi giá cả tăng hoặc cho thuê.
“Đối với khách nước ngoài đến đây chúng tôi không thu phí. Cứ để họ quay chụp ảnh, để quảng bá hình ảnh đất nước mình”, bà Hà nói.
Nằm ở một góc nhỏ với lối vào chỉ rộng khoảng 1m là cửa hàng giày dép của anh Đinh Trường Duy. Anh đã bán ở đây được 6 tháng vì tiền thuê mặt bằng nơi đây khá rẻ, độ cạnh tranh không cao vì mỗi shop là một ‘gu’ riêng.
Phạm Hữu – Trác Rin (TNO)
Bình luận (0)