Sáng nay, trời còn tờ mờ sương, tôi vừa thức dậy thì nghe ngoài ngõ có tiếng kêu: “Cô ơi, cô ơi!”. Chạy ra xem thì thấy một chị phụ huynh đứng trước cửa nhà, chị bảo có chuyện cần nhờ cô giáo giúp; tôi nói có chuyện gì chị nói nhanh được không, em còn chuẩn bị đi dạy. Chị bảo chuyện dài lắm, phải mở cửa vô nhà nói.
Vào nhà, chị nhập đề bằng một hai câu rồi bảo nhờ cô viết bài xin tiền giùm cho học trò bị bệnh tim, đang nằm viện, nhà khổ quá, cô thương giùm. Là giáo viên, nghe học trò đang nằm viện trị bệnh tim, tôi tá hỏa. Thấy lạ, tôi bèn hỏi cậu học trò cũ (con trai của chị) cùng đi với chị thì được biết cô bé (em gái của em) nghỉ học cách đây mấy năm rồi. Cậu học trò cũ bảo, em không chịu chở đến nhà cô mà mẹ cứ nằng nặc bắt chở đi, nhà có sổ bảo hiểm hộ nghèo nên khi vào viện mọi việc coi như lo được. Cậu vừa dứt lời thì chị phụ huynh giận đùng đùng bảo “được đâu mà được, tôi thấy mấy đứa học trò không bệnh hoạn gì, nhà nghèo mà đã được cho tiền đi học đấy thôi”. Tôi lắc đầu giải thích rằng con gái chị đang bệnh thật nhưng cũng được hỗ trợ đúng mức rồi, gia cảnh nhà chị cũng tốt hơn những người cùng cảnh ngộ, đặc biệt là em đã bỏ học rồi thì không nên lấy “danh nghĩa” tiếp bước cho em đến trường được. Còn những học sinh được cộng đồng chung tay giúp đến trường là những em có hoàn cảnh khó khăn thật nhưng học giỏi, người ta giúp là vì còn nghĩ đến chuyện tương lai sau này em sẽ học giỏi, sẽ thành một công dân có ích cho xã hội… Lòng tốt mà đặt không đúng chỗ hay bị lợi dụng thì đúng là hết cao đẹp. Chị nghe tôi nói xong thì bỏ về, thái độ không ưng, tôi chỉ biết lắc đầu.
Đó là câu chuyện ở nhà. Chiều lên trường họp hội đồng lại có chuyện tương tự nữa. Số là nhà trường họp phổ biến công tác điều tra và mở lớp dạy phổ cập. Các giáo viên chủ nhiệm báo cáo tình hình học sinh bỏ học sau Tết. Một chị giáo viên chủ nhiệm lớp 7 nói: “Em T. nghỉ học, đến nhà vận động ra lớp thì mẹ em ấy bảo: Không thể đi học được, có chiếc xe đạp mà nó làm mất rồi, giờ trường cho chiếc xe đạp khác thì nó sẽ đi học lại”. Chị vừa dứt lời thì tôi nghe một giáo viên khác bảo: “Chơi game bỏ mất xe đấy!”. Đây là hậu quả của việc sợ học sinh bỏ học đây!
Xã hội còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ và cũng có những nhà hảo tâm sẵn lòng hỗ trợ nhưng đâu thể vì thế mà giả danh “đục khoét” lòng tốt của cộng đồng được. Điều làm tôi buồn hơn là tại sao hai vị phụ huynh kia lại đi xin xỏ như thế, chẳng phải điều một người mẹ nên làm là dạy con lòng tự trọng hay sao?
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Phú Yên)
Bình luận (0)