Đại biểu phát biểu tại hội thảo |
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra nghiêm trọng tại nước ta từ cuối năm 2014 đến nay. Dự báo sẽ kéo dài đến giữa năm 2016. Riêng khu vực ĐBSCL, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, từ cuối năm 2015 đến nay có khoảng 220.000ha lúa bị thiệt hại, 250.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt; nhiều trường học, trạm xá thiếu nước ngọt…
Xung quanh vấn đề này, ngày 20-4, tại TP.Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp tổng hợp để thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng ĐBSCL”.
Tại đây, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, đã trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050. Quy hoạch này là nội dung dự án: “Giải pháp tổng hợp để thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL”. Theo kế hoạch, dự án tác động trực tiếp khoảng 1,183 triệu ha, với dân số 3,9 triệu người, 26 huyện/9 tỉnh. Tác động gián tiếp đến vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, vùng cửa sông. Dự án hỗ trợ về hạ tầng và kỹ thuật nuôi trồng cho 47.914ha, đào tạo 40.830 người dân, giúp họ khả năng chuyển đổi, thích ứng với BĐKH. Về mặt hạ tầng, nâng cấp tổng số 470km bờ bao, xây dựng 192 cống các loại, bảo vệ 27km bờ biển, nâng cấp đai rừng ngập mặn trên tuyến 50km, tổng diện tích bảo vệ là 1.000ha, trồng rừng sản xuất 1.200ha…
Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng dự án chưa đề cập giải pháp tổng thể về dự trữ nước ngọt sử dụng cho cả vùng; chưa bố trí, quy hoạch cây trồng vật nuôi thích hợp tính chất từng vùng sản xuất: vùng nước ngọt (sản xuất lúa), nước mặn (sản xuất thủy sản) và vùng nước lợ (sản xuất tôm, lúa).
Ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu – phân tích: “Hệ thống thủy lợi tại ĐBSCL chưa thích ứng với BĐKH, dù thủy lợi đã có sự đầu tư nhưng mang tính dàn trải, không đồng bộ, tạo kẽ hở cho xâm nhập mặn. Dự án cũng chưa định hình rõ ràng cây, con chủ lực của từng vùng để quy hoạch thủy lợi mang tính đồng bộ và giải quyết cơ sở hạ tầng như điện, nước, thủy lợi, cấp nước cho sản xuất và dân sinh. Phải có giải pháp giải quyết những mâu thuẫn này để việc quy hoạch hệ thống thủy lợi thỏa đáng hơn cho toàn khu vực”…
Ông Kim Ngọc Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh – đề xuất: “Chúng ta cần có giải pháp chống xâm nhập mặn từ xa, vùng thượng nguồn, chứ không để mặn đến gần mới khắc phục. Theo tôi, trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, chúng ta khó có thể thực hiện giải pháp công trình như Hà Lan, Hàn Quốc. Do vậy trước mắt cần thực hiện giải pháp phi công trình như tập trung vào cơ cấu mùa vụ, bố trí cây trồng vật nuôi thích hợp từng vùng (ngọt, mặn, lợ)…”.
Từ những ý kiến này, ông Đỗ Văn Thành – Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước & nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi – cho biết: “Chúng ta sẽ giữ ổn định những vùng ngọt hóa để sản xuất lúa. Với 9 tỉnh ven biển bị hạn mặn nhiều, sẽ quy hoạch chuyển đổi diện tích lúa để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm sú. Đề phòng vấn đề dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng những dự án khắc phục. Đối với những vùng sản xuất lúa trọng điểm, sẽ làm những công trình thủy lợi, xây dựng những trạm bơm để tiêu thoát nước. Dự án ghi nhận những đóng góp để rà soát, quy hoạch lại hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Với vấn đề hạn mặn, đây là thiên tai, chúng ta phải tìm giải pháp sống chung với nó, các giải pháp phải giúp giảm khó khăn cho người dân trước mắt; đồng thời tìm biện pháp xử lý căn cơ, lâu dài”.
Dịp này, Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông đã giới thiệu mô hình “Ngân hàng đất” trong công tác nạo vét kênh rạch ở ĐBSCL và xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Theo đó, nạo vét kênh rạch là nhu cầu bức thiết cho phát triển bền vững của châu thổ vì nó giúp cung cấp nước ngọt, thoát nước mưa nước lũ, phục vụ giao thông thủy, đất nạo vét là vật liệu nâng cao nền…
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)