Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016 ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM |
Sau khi điều lực lượng đi tổ chức thi THPT quốc gia 2016 cho thí sinh nhiều tỉnh/thành, những trường ĐH tại TP.HCM được giao nhiệm vụ dự tính sẽ gom bài thi về thành phố chấm cho thuận tiện.
Hiện nay các trường ĐH thuộc khu vực TP.HCM nhưng được giao chủ trì cụm thi THPT quốc gia 2016 tại các tỉnh/thành khác đã bắt đầu làm việc với những địa phương này để chuẩn bị tổ chức thi, chấm thi…
Trường ĐH về tỉnh tổ chức thi
Nếu như năm ngoái, thí sinh nhiều tỉnh được “gom” về TP.HCM để thi THPT quốc gia thì năm nay, nhiều trường ĐH ở TP.HCM sẽ bố trí lực lượng đến các tỉnh/thành tổ chức thi cho các em. Việc di chuyển xa không còn là của thí sinh nữa mà là… của chính các trường ĐH.
Cụ thể, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ chủ trì cụm thi số 45 tại tỉnh Gia Lai; cụm thi tại tỉnh Đắk Nông sẽ do ĐH Tài chính – Marketing chủ trì; ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sẽ chủ trì cụm thi tại tỉnh Ninh Thuận. Trong khi đó cụm thi của tỉnh Bình Thuận sẽ do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chủ trì. Các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh sẽ lần lượt được các trường: ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM và ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức thi. Trường ĐH Sài Gòn chủ trì cụm thi tại tỉnh Long An; ĐH Tôn Đức Thắng sẽ chủ trì cụm thi tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; ĐH Luật TP.HCM chủ trì cụm thi tại tỉnh Bến Tre; ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức cụm thi tại tỉnh Sóc Trăng… Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH khác của TP.HCM còn tham gia phối hợp các trường ĐH địa phương tổ chức thi.
TS. Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – cho biết trường có 2 phân hiệu tại Gia Lai và Ninh Thuận. Vừa qua, trường đã có đề án gửi Bộ GD-ĐT, trong đó đề xuất xét tuyển theo nhóm đối với 2 phân hiệu này để tăng cơ hội cho thí sinh vào được nhóm ngành phù hợp. |
PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho biết năm nay trường tổ chức thi cho khoảng 13.000 thí sinh tỉnh Đồng Nai, con số này không gây áp lực mấy vì trường đã quen tổ chức thi – có năm quy mô lên tới 18.000 thí sinh. Theo đó, ngày 7-4 trường đã tiến hành khảo sát năng lực tổ chức thi của nhiều trường THPT khu vực Đồng Nai để thực hiện các bước chuẩn bị.
Ông Trần Thế Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cũng cho biết cách đây mấy ngày, trường đã làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước và Trường CĐ Sư phạm của địa phương này về công tác phối hợp tổ chức thi; cụ thể như rà soát một phần cơ sở vật chất, phòng thi, chuẩn bị thành lập ban chỉ đạo thi…
Tương tự, TS. Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – thông tin, hiện trường đã lên kế hoạch chuẩn bị ở các khâu đề thi, coi thi, chấm thi… Năm nay, lực lượng của trường sẽ di chuyển 600km đến Gia Lai để tổ chức thi cho khoảng 12.000 thí sinh. Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay tổ chức thi và chấm cho khoảng 9.000 thí sinh tỉnh Tây Ninh, bằng phân nửa số lượng năm ngoái.
Theo đại diện các trường, nhờ kinh nghiệm tổ chức thi nhiều năm qua nên kỳ thi THPT quốc gia sắp tới không quá áp lực.
Gom bài thi về TP.HCM chấm để đỡ chi phí
Để tránh xáo trộn và hạn chế chi phí đi lại, ăn ở… các trường ĐH dự kiến gom bài thi về TP.HCM chấm thay vì điều động lực lượng giám khảo đi xa. ThS. Phạm Thái Sơn – Phó trưởng phòng Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – giải thích, phương án di chuyển giám khảo đi tỉnh chấm thi rất bất tiện, do đó trường sẽ gom bài thi về TP.HCM chấm. Lực lượng chấm thi dự kiến gồm 60% giảng viên của trường và 40% giáo viên phổ thông của hai sở GD-ĐT TP.HCM và Tây Ninh. Để chắc chắn, trường “đặt hàng” những giám khảo đã chấm thi các năm trước. Cụ thể, môn văn sẽ có khoảng 30 người chấm; 10 giám khảo chấm môn sử, địa; gần 60 giám khảo chấm môn toán. Theo ông Sơn, việc phối hợp chấm thi giữa giảng viên ĐH với giáo viên THPT của Tây Ninh và TP.HCM sẽ đem lại kết quả tin tưởng. Tuy nhiên, trường có phần lo lắng đối với công tác chấm thi môn sử, địa. Năm ngoái, số giám khảo chấm các môn này được Sở GD-ĐT TP.HCM điều động. Năm nay, trong trường hợp sở chỉ điều động chấm cho các cụm thi tại TP.HCM thì những trường ĐH tổ chức thi cho các tỉnh khác sẽ khó kiếm lực lượng.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cũng cho rằng việc các trường ĐH không di chuyển giám khảo mà gom bài thi về TP.HCM chấm liên quan đến vấn đề ăn ở, đi lại hay khâu quản lý bài thi, điều động nhân sự… “Nếu chấm thi ở trường ĐH, thiếu chỗ nào có thể điều động ngay giám khảo vào chỗ đó, đi xa sẽ khó hơn rất nhiều”, ông Minh nói.
Ông Minh cho hay, để tránh xáo trộn và hạn chế chi phí đi lại, ăn ở…, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự tính dùng chủ yếu lực lượng chấm là giảng viên của mình và giáo viên phổ thông của TP.HCM. Nếu chủ động bố trí ổn thỏa được lực lượng giáo viên TP.HCM chấm, trường sẽ không mời giáo viên các tỉnh khác.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng đã có phương án mời giáo viên THPT tại Q.9, Q.Thủ Đức (TP.HCM) và của Đồng Nai tham gia chấm thi sắp tới. Theo TS. Trần Đình Lý, việc này trường đã có kinh nghiệm thực hiện 10 năm nay nên không quá lo lắng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)