Dù Microsoft đã chính thức xác nhận việc ngừng phát triển thêm và hủy bỏ dự án máy tính bảng có tên mã là Courier của mình hồi tháng 5/2010 nhưng câu chuyện đằng sau “cái chết” bất ngờ và đầy nghi vấn của thiết bị này vẫn thu hút sự quan tâm của giới công nghệ.
Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft đã từng phải ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi có tới hai nhóm tại hãng công nghệ này theo đuổi những tham vọng trái ngược nhau đối với máy tính bảng.
Một nhóm do “cha đẻ” Xbox J Allard lãnh đạo. Nhóm này đã phát triển một chiếc máy tính bảng hai màn hình bóng bẩy được gọi là Courier. Với mẫu tablet này, người dùng sẽ điều khiển bằng ngón tay hoặc bút. Nhưng nó lại có một vấn đề: đó là chạy trên một phiên bản sửa đổi của Windows.
Và nhóm thứ hai do Steven Sinofsky, người đứng đầu bộ phận Windows của Microsoft đã chỉ trích nhược điểm ấy của Courier. Sinofsky cảnh báo bất cứ sản phẩm nào như Courier sẽ đe dọa nền tảng của hệ điều hành chủ lực mà Microsoft đang sở hữu. Tuy nhiên, phiên bản máy tính bảng thân thiện chạy Windows của Sinofsky vẫn vắng bóng sau hơn 2 năm “thai nghén”.
Đối với ông Ballmer, đây không phải là một tình huống dễ phân xử. Allard và Sinofsky đều là những giám đốc điều hành chủ chốt tại Microsoft, cả hai đều được kỳ vọng sẽ là những vị lãnh đạo hàng đầu kế tiếp của Microsoft. Vì vậy, ông Ballmer đã tìm kiếm lời khuyên từ một người có tầm nhìn xa trông rộng trong giới công nghệ mà ông tin tưởng hơn bất cứ một ai khác suốt thập kỷ qua, đó là Bill Gates. Ông Ballmer đã sắp xếp cho chủ tịch và đồng sáng lập Microsoft có một cuộc gặp kéo dài vài giờ đồng hồ với Allard, chủ tịch bộ phận giải trí và thiết bị (Entertainment and Devices) của Microsoft Robbie Bach cùng hai thành viên thuộc dự án Courier.
Trong một cuộc gặp gỡ hồi đầu năm 2010 tại văn phòng làm việc của Bill Gates ở Kirkland, Washington, Bill Gates đã hỏi Allard về cách mà người dùng nhận email. Allard nói với Gates rằng nhóm của ông đã không nỗ lực xây dựng một trải nghiệm email khác. Allard lý giải rằng bất cứ người nào có một chiếc máy tính bảng Courier cũng sẽ sở hữu một chiếc smartphone để viết email nhanh chóng và một chiếc máy tính cá nhân (PC) để trao đổi chi tiết hơn. Người dùng Courier có thể nhận email từ Web, Allard cho biết.
Tuy nhiên, chiếc máy tính bảng Courier không có ý định sẽ thay thế một chiếc máy tính mà chỉ để bổ sung cho máy tính cá nhân mà thôi. Người dùng Courier sẽ không muốn hoặc không cần một ứng dụng email giàu tính năng như Outlook của Microsoft vốn cho phép họ chuyển sang xem nội dung cuộc trò chuyện trong hộp thư đến hoặc hỗ trợ đọc và viết email. Nhóm của Allard lập luận chìa khóa của Courier là sự tập trung của nó vào việc sáng tạo nội dung. Nói nôm na, Courier sẽ là một thiết bị mà ở đó, các nhà kiến trúc sư có thể bắt đầu phác thảo các kế hoạch xây dựng hoặc các nhà văn có thể bắt đầu soạn thảo văn bản.
“Bill đã ác cảm với chiếc máy tính bảng này”, một thành viên nhóm Courier nói với một người tham dự cuộc gặp gỡ này. Đúng như phong cách của mình trong các cuộc đánh giá sản phẩm, Bill Gates đã dồn ép Allard, thách thức tính hợp lý của dự án này.
Không khó để hiểu phản ứng của Gates. Microsoft đã kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm nhờ phần mềm máy chủ email Exchange và ứng dụng email Outlook của mình. Giữa các cuộc tranh luận nóng về quá trình phát triển của Microsoft, những quan điểm của Gates không mang lại điềm lành cho chiếc máy tính bảng Courier. Gates đã truyền đạt ý kiến của mình cho Ballmer. Ông Ballmer cũng đã thu thập ý kiến từ những người khác tại Microsoft đối với dự án này.
Máy tính bảng Courier bị "khai tử" khi chỉ còn vài tháng nữa là hoàn thiện. |
Chỉ trong vòng vài tuần, máy tính bảng Courier đã bị hủy bỏ vì sản phẩm này rõ ràng không gắn kết với các dịch vụ Office và Windows của Microsoft, theo các nguồn tin thân cận với vấn đề. Một vài tháng sau đó, cả Allard và Bach thông báo dự định rời khỏi Microsoft mặc dù cả hai vị giám đốc điều hành này đều khẳng định quyết định nghỉ việc của họ không liên quan đến việc “khai tử” Courier.
Câu chuyện về chiếc máy tính bảng Courier của Microsoft chỉ được kể lại một cách rời rạc. Không có bất cứ thông tin nào được tiết lộ công khai về những cuộc đấu đá nội bộ dẫn đến cái chết của thiết bị đầy sáng tạo này. Bài viết trên của trang công nghệ Cnet được chắp nối lại với nhau thông qua các cuộc phỏng vấn với 18 vị giám đốc đang đương chức cũng như đã rời bỏ Microsoft, các nhà thầu và các đối tác làm việc trong dự án này. Không ai trong số các nhân viên của Microsoft dám nói những điều vượt quá thẩm quyền của họ vì lo ngại sẽ phải gánh chịu những hậu quả khó lường. Phát ngôn viên hàng đầu của Microsoft, Frank Shaw thậm chí chỉ đưa ra một lời bình luận ngắn gọn cho câu chuyện này.
“Tại bất cứ thời điểm nào, chúng tôi đều tìm kiếm những ý tưởng mới, nghiên cứu, thử nghiệm và “thai nghén” chúng”, Shaw nói trong một tuyên bố khi những thông tin về việc Courier bị “khai tử” rò rỉ ra ngoài hồi tháng 4/2010. “Tại DNA, chúng tôi phát triển những thiết bị có hình thức mới và những giao diện người dùng tự nhiên để thúc đẩy năng suất và sự sáng tạo. Dự án Courier là một ví dụ cho thấy những nỗ lực này. Nó sẽ được đánh giá để sử dụng trong các dịch vụ tương lai nhưng chúng tôi không có kế hoạch xây dựng một thiết bị như vậy tại thời điểm này”.
Mặc dù cuộc chiến nội bộ liên quan đến Courier đã xảy ra cách đây 18 tháng nhưng những tác động của quyết định “khai tử” dự án này vẫn ám ảnh cho đến tận hôm nay. Thay vì tạo ra một chiếc máy tính cảm ứng có thể được trình làng trong vài tháng sau khi iPad của Apple có mặt trên thị trường, các lãnh đạo của Microsoft có vẻ như đã chọn chiến lược “chậm mà chắc”. Gã khổng lồ phần mềm Mỹ đã hủy bỏ Courier chỉ vài tuần sau khi diễn ra màn ra mắt của iPad. Hiện tại, Microsoft đang lên kế hoạch cho Windows 8. Hệ điều hành này nhiều khả năng sẽ được ra mắt vào cuối năm nay và sẽ chạy trên máy tính bảng.
Cái chết của Courier đã cho thấy một cái nhìn sát vào tư tưởng Darwinian của Microsoft đối với việc phát triển sản phẩm và hành động cân bằng giữa việc bảo vệ các dịch vụ sản phẩm cũ và việc tạo ra các dịch vụ sản phẩm mới. Microsoft, hiện có hơn 90.000 nhân viên, đã thu nạp được khá nhiều nhân tài với những phương pháp tiếp cận mang tính cách mạng. Nhưng đôi khi, sự sáng tạo của họ đã bị ngưng lại vì phải gộp vào các sản phẩm khác hoặc thậm chí phải hy sinh để bảo vệ Office và Windows của công ty.
Courier đã “chết” oan ức?
Nhóm tham gia dự án Courier với hơn 130 nhân viên Microsoft đã đóng góp ý tưởng cho chiếc máy tính bảng này. Họ đã tạo ra một vài mẫu thử để thể hiện rõ những trải nghiệm mà người dùng sẽ có với chiếc tablet này. Khi Microsoft quyết định khai tử dự án Courier, vẫn còn một số vấn đề khó khăn về phần mềm và phần cứng phải khắc phục. Tuy nhiên, một nhân viên làm việc trong dự án Courier cho biết dự án đã đi đủ xa để các công việc còn lại có thể hoàn thành trong vài tháng nếu công ty tăng thêm nhân sự cho nhóm.
Những người tâm huyết phát triển Courier thực sự buồn trước quyết định "khai tử" dự án máy tính bảng này. |
Ông Ballmer và lãnh đạo cao cấp của Microsoft đã quyết định đặt cược hoàn toàn vào tầm nhìn Windows đối với chiến lược máy tính bảng của Sinofsky. Mặc dù tư tưởng này “đè bẹp” tư duy sáng tạo của nhiều nhân viên nhưng quyết định này đối với ban lãnh đạo Microsoft thì có vẻ rất hợp lý. Khách hàng doanh nghiệp sẽ thích sử dụng máy tính bảng Windows thay vì iPad của Apple bởi những thiết bị này được trang bị nhiều công cụ bảo mật và quản lý nổi tiếng giúp họ dễ dàng cắm vào mạng lưới công ty một cách an toàn.
Một cuộc khảo sát mới do Tập đoàn tư vấn Boston tiến hành cho thấy hơn 40% người dùng máy tính bảng hiện nay ở Mỹ muốn có một chiếc tablet chạy Windows. Nếu hỏi cả những người hiện chưa sở hữu bất cứ một chiếc máy tính bảng nào thì con số này sẽ tăng lên 53%. Lý do là: người dùng máy tính đã quá quen thuộc với Windows. Hệ điều hành này hiện vẫn chạy trên gần 90% số máy tính cá nhân bán ra.
“Người dùng cho rằng một hệ điều hành phổ biến sẽ làm cho trải nghiệm này liền mạch giữa các thiết bị”, hãng Boston khẳng định “Các sản phẩm này sẽ được trình làng. Chúng sẽ tốt hơn iPad hoặc không được như thế”.
Ông Ballmer đã đi theo con đường của chính mình nhằm nhấn mạnh chiến lược Windows của Micrososft tại cuộc họp các nhà phân tích tại chính công ty hồi tháng trước. Cuộc họp này được diễn ra đồng thời với một cuộc gặp gỡ mà Microsoft tổ chức nhằm mời gọi hơn 5000 nhà phát triển quan tâm nhiều hơn đến nền tảng Windows 8 dành cho máy tính bảng của hãng.
Tuy nhiên, việc sử dụng Windows như một hệ điều hành dành cho máy tính bảng cũng có nghĩa là Microsoft sẽ nâng cấp hệ điều hành của thiết bị này trên khung thời gian Windows, thường là ba năm một lần. Nếu so sánh với Apple, vốn có truyền thống nâng cấp iPad hàng năm, thì máy tính bảng của Microsoft sẽ khó theo kịp. Vào thời điểm Windows 8 ra mắt, Apple có thể đã giới thiệu chiếc máy tính bảng iPad 3. Hơn nữa, chiếc Kindle Fire của Amazon, được kỳ vọng là “sát thủ” đối với iPad sẽ được tung ra thị trường vào ngày 15/11 tới.
Mặt khác, Courier, với phiên bản sửa đổi của Windows mà nó sử dụng có thể được cập nhật thường xuyên hơn so với bản thân hệ điều hành khổng lồ này.
Cũng cần phải nói thêm, trong khi Microsoft đang phân vân chọn lối đi thì các nhà sản xuất tablet đã bán được 17,6 triệu máy trong năm 2010 và sẽ đạt được con số 63,3 triệu máy trong năm nay, theo chuyên gia phân tích hãng Gartner. Trong năm 2012, Gartner dự đoán doanh số máy tính bảng bán ra sẽ tăng lên 103,5 triệu máy. Chỉ 4,3 triệu trong số này được bán ra vào cuối năm nay khi Windows 8 trình làng sẽ chạy hệ điều hành Windows. Gartner cho rằng iPad của Apple sẽ tiếp tục thống trị với 2/3 thị phần trên thị trường máy tính bảng.
Võ Hiền (Theo Dantri)
Bình luận (0)