Bên cạnh việc nâng cao chất lượng của xe buýt lớn hiện hành, nhiều ý kiến cho rằng nên đưa vào sử dụng các loại xe buýt nhỏ để tăng tính cơ động, tiện lợi cho người dùng và điều kiện đường sá TP.HCM, Hà Nội…
Một lần kẹt xe ở ngã tư Hàng Xanh – Ảnh: THANH TÙNG |
Đa số xe buýt lưu thông hiện nay đều là loại 40 – 80 chỗ. Nhiều ý kiến đề xuất nên sản xuất và cho lưu thông những loại xe công cộng 12-16 chỗ.
Phù hợp với đô thị VN
Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, trưởng Koa Đô thị học (ĐH KHXH&NV TP.HCM), các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM có nhiều tuyến đường nhỏ, ngắn, gấp khúc, nhiều hẻm hóc, chỉ xe buýt nhỏ mới chạy được. Còn xe buýt lớn thì thường chạy nhanh, phù hợp với các tuyến đường dài.
Ngoài ra, xe buýt nhỏ còn có thể được sử dụng làm xe trung chuyển hành khách đến trạm metro hoặc xe buýt lớn.
Chia sẻ góc nhìn của mình, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng mô hình xe buýt nhỏ như xe lam hoặc xe tuk tuk ở Thái Lan và Campuchia rất hợp với tình trạng giao thông hiện tại của Hà Nội và TP.HCM.
“Nên phân chia năng lực vận chuyển theo thiết kế của từng tuyến đường trong từng khu vực, có những tuyến đường nên dùng xe nhỏ, những tuyến đường khác lại dùng xe lớn. Những khu đô thị mới thường hạ tầng đường rất rộng, có thể xài xe buýt lớn. Đường trong các khu trung tâm hiện hữu thường nhỏ, nên xài các loại xe nhỏ hơn. Và có thể dùng xe điện, thay vì dùng xe chạy xăng như hiện nay” – ông Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Phùng Đăng Hải (Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM), sử dụng xe buýt nhỏ có thể không có lợi về mặt lâu dài.
Ông Phùng Đăng Hải phân tích: “Xe buýt nhỏ chỉ phù hợp với một số tuyến đường nhỏ, ít khách. Có thể sau này khi lượng khách tăng nhiều, phải tăng cường nhiều xe buýt nhỏ, lại chiếm diện tích đường sá nhiều hơn. Cho nên hình thức này nếu làm đại trà thì sau này sẽ phải trả giá rất đắt, có thể trở thành một nguy cơ kẹt xe trong tương lai”.
Tuy vậy, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa cho rằng xe buýt nhỏ có thể phù hợp với nền kinh tế vỉa hè như ở VN.
“Những người dân lao động buôn thúng bán bưng, xách gà xách vịt đi bán thì làm sao sử dụng hệ thống metro được? Chỉ có đi xe buýt nhỏ là tiện nhất” – PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nêu quan điểm.
Thêm vào đó, hệ thống xe buýt nhỏ không cần đầu tư nhiều, dễ thu hồi vốn, có thể giao cho các doanh nghiệp tư nhân.
Cần trung tâm điều phối
Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Hà Nội và TP.HCM cần có trung tâm điều hành giao thông công cộng để điều phối tần suất và những loại xe phù hợp với tình hình giao thông của từng khu vực trong từng thời điểm.
“Có những tuyến đường không phải giờ cao điểm thì không có khách, trên xe buýt có khi chỉ có một, hai người. Cho nên những lúc như thế thì có thể điều phối xe buýt nhỏ cho đỡ chiếm diện tích đường sá” – PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa cho biết.
Đồng tính với ý kiến này, KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ sự ngạc nhiên khi một thành phố lớn như TP.HCM cho đến giờ vẫn chưa có trung tâm điều phối giao thông.
Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng số lượng xe buýt tính trên đầu người hiện nay ở TP.HCM vẫn còn quá thấp, không đủ cung ứng nhu cầu đi lại của người dân.
“Hệ thống chưa đủ dày đặc, nên mở những tuyến giao thông công cộng đi vào tận khu dân cư. Phải làm sao mà từ nhà, người dân chỉ cần đi bộ khoảng 200m là đã tới trạm xe buýt.
Vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao phát triển mạng lưới giao thông công cộng cùng khắp và xe buýt nhỏ là một trong những giải pháp ở một số tuyến đường” – KTS Ngô Viêt Nam Sơn nhận định.
Thu hút người dân đi xe buýt thế nào?
Theo ông Phùng Đăng Hải, chất lượng xe buýt hiện nay đang được thay đổi một cách tương đối, những xe sử dụng nhiên liệu sạch, xe mới cũng thu hút được nhiều khách hơn.
Tuy nhiên vấn đề hiện nay là người dân đã quá quen thuộc với việc sử dụng xe cá nhân, nếu không tìm được cách hạn chế thì sẽ rất khó thu hút họ đi xe buýt. Muốn thu hút được thì phải có giải pháp đồng bộ, có thể có những ưu tiên dành cho người sử dụng xe buýt.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nên bắt tay vào đổi mới ngay hệ thống giao thông công cộng, không thể chờ thêm được nữa vì càng lâu càng khó điều chỉnh thói quen đi lại của người dân.
“Thực ra mình đã bỏ lỡ cơ hội này một lần rồi. Đáng lẽ nên đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng trước khi xe máy trở nên quá phổ biến như hiện nay. Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội một lần nữa. Đặc biệt khi thời điểm bây giờ đang có các công trình xây dựng lớn, phải gắn với giao thông công cộng” – ông Ngô Viết Nam Sơn nói.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, so với hầu hết các nước trên thế giới thì VN chưa có mô hình giao thông công cộng nào thật sự hiệu quả.
Lấy ví dụ như ở thành phố Montreal (Canada), người dân có thể bắt taxi từ nhà ra trạm xe buýt, sau đó họ sẽ được tính tiền đi taxi bằng với giá đi xe buýt. Vì thuận tiện như thế nên người dân thành phố này hầu hết đều sử dụng xe buýt.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng nên đa dạng hóa loại hình giao thông vận tải công cộng bởi vì không có loại hình nào là tối ưu hoàn toàn, phải để cho người dân tự chọn cách thức phù hợp nhất với mình.
Xe buýt TP.HCM dần cải thiện Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết đang đẩy nhanh dự án đầu tư xây dựng hệ thống vé điện tử thông minh (gọi tắt là vé xe buýt thông minh) áp dụng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng. Dự kiến cuối năm 2016 sẽ triển khai vé xe buýt thông minh trên các tuyến xe buýt được ngân sách TP trợ giá. Nhiều nhà khoa học và chuyên gia đề xuất cần trợ giá trực tiếp đến hành khách bằng việc đưa vào sử dụng vé xe buýt thông minh. Theo đó, hành khách đi xe nhiều thì nhà xe được hưởng trợ giá nhiều. TP.HCM cũng lần đầu tiên đưa 10 chiếc xe buýt có quảng cáo ở bên hông xe vào hoạt động ngày 12-4. Việc quảng cáo trên xe buýt được đấu giá công khai thu được hơn 14,6 tỉ đồng, góp phần giảm ngân sách trợ giá xe buýt. Thêm vào đó, từ ngày 1-4, Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM đưa tuyến xe buýt (số 104, Bến An Sương – Trường ĐH Nông Lâm TP) với 100% xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) vào hoạt động. |
ĐẶNG TƯƠI – AN NHIÊN – MAI NGUYỄN/TTO
Bình luận (0)