Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lâm Đồng: Siết chặt du lịch mạo hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

Thác Pongour – nơi xảy ra cái chết của một du khách nước ngoài

Liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn với 4 du khách nước ngoài thiệt mạng tại Khu du lịch thác Datanla (Đà Lạt) và thác Pongour (Đức Trọng) thêm khẳng định loại hình du lịch này ẩn chứa quá nhiều rủi ro.

Không thể “ăn xổi”

Ở Lâm Đồng, hiện có 8 công ty lữ hành quốc tế đăng ký khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm được tổ chức tại các khu điểm du lịch: Langbiang, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, Khu du lịch thác Datanla, Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, Khu du lịch rừng Mađagui… Dù loại hình du lịch này có tiềm năng và rất phát triển, nhất là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, qua phản ánh của các ngành chức năng liên quan địa phương, hiện nay việc quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh bộc lộ nhiều lỗ hổng, lỏng lẻo.  Đến nay, trên lĩnh vực du lịch mạo hiểm chưa có văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản hướng dẫn nào. Việc đăng ký tạm trú cho khách du lịch nước ngoài cũng chưa thực hiện nghiêm, có biểu hiện không đăng ký để trốn thuế; kiến thức và thiết bị cứu hộ cứu nạn, công tác cảnh báo nguy hiểm, xây dựng hành lang an toàn tại các khu điểm du lịch; điều kiện bảo quản lạnh tại cơ sở y tế địa phương; công tác truyền thông, thủ tục xử lý liên quan đến khách nước ngoài; sự phối hợp và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm, quản lý giá và chất lượng các dịch vụ du lịch… còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, bởi loại hình mới rất “kén” khách, nên phần lớn các công ty kinh doanh du lịch mạo hiểm thiếu quan tâm về đầu tư các trang thiết bị; phương tiện hoạt động kém chất lượng, thiếu an toàn; kinh doanh theo kiểu tự phát, “ăn xổi” thiếu chuyên nghiệp. Du lịch mạo hiểm luôn có yếu tố rủi ro cao; Song, không mua bảo hiểm cho khách; không quản lý du khách theo lộ trình tour, tuyến; hướng dẫn viên thiếu chuyên nghiệp; để du khách tự ý du lịch “chui”, du lịch mạo hiểm tùy hứng không tuân theo quy định, nội quy… là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những tai nạn đáng tiếc cho du khách.

Siết chặt kinh doanh du lịch mạo hiểm

Trước thực trạng về những yếu kém trong quản lý hoạt động du lịch – nói chung, du lịch thể thao mạo hiểm, nói riêng; đặc biệt, qua sự cố nêu trên, chính quyền và ngành chức năng phải kịp thời chấn chỉnh, siết chặt hoạt động đối với loại hình du lịch này.

Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành công văn hỏa tốc số 923/UBND-VX2 gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố yêu cầu khẩn trương chấn chỉnh hoạt động du lịch, đặc biệt du lịch mạo hiểm trên địa bàn.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, mọi yếu kém, bất cập trong hoạt động du lịch, đặc biệt du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh phải được chấn chỉnh, xử lý dứt điểm trước ngày 20-3-2016…

Sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – Phan Văn Đa đã triệu tập cuộc họp gấp với các sở, ban, ngành liên quan rút kinh nghiệm về 2 trường hợp tai nạn vừa xảy ra trên địa bàn. Sau khi kiểm điểm những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý trong lĩnh vực du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; Khu du lịch thác Datanla và Khu du lịch thác Pongour phải cắm biển cảnh báo ở những chỗ có khả năng gây nguy hiểm, có hệ thống rào chắn, lưới chắn và người bảo vệ tại những khu vực này; huấn luyện nhân viên về cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu. Sở VHTT&DL tổ chức ngay các đoàn kiểm tra các hoạt động du lịch mạo hiểm, nếu không đủ điều kiện phải thu hồi giấy phép, chấm dứt ngay hoạt động; đồng thời, giao Sở VHTT&DL tham mưu văn bản để UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTT&DL ban hành quy định các điều kiện cụ thể về kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm; rà soát hệ thống các cơ sở lưu trú trên địa bàn, phối hợp với công an, thuế khẩn trương thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra hệ thống lưu trú, các cơ sở kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm, kiên quyết xử lý ở mức cao nhất các sai phạm… 

Sau khi tổ chức thanh, kiểm tra toàn bộ các cơ sở đăng ký kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn, Sở VHTT&DL Lâm Đồng đã phát hiện khá nhiều sai phạm của các doanh nghiệp nên đã ra quyết định đình chỉ hoạt động đu dây, trượt cáp trên hồ Tuyền Lâm của Công ty Mạo hiểm Việt (TP.Đà Lạt), vì đơn vị này không đăng ký với cơ quan chức năng. Tại đây, một số đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, du lịch mạo hiểm đã tự ý thiết lập hai tụ điểm đu dây vượt hồ hết sức tạm bợ. Cả hai tụ điểm trên đều sử dụng những sợi cáp nhỏ cột vào thân cây thông ở hai đầu mặt hồ (độ cao 15m so với mặt nước), tổ chức cho du khách đu dây trượt cáp qua mặt hồ quá mạo hiểm… Đồng thời, Sở VHTT&DL Lâm Đồng cũng đã đình chỉ hoạt động của Công ty Đam Mê Đà Lạt do không mua bảo hiểm cho du khách và thay đổi lộ trình khiến 3 công dân người Anh tử nạn; Tổng cục Du lịch cũng đã kiến nghị Bộ VHTT&DL cho phép Tổng cục Du lịch thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của Công ty Đam Mê Đà Lạt và thẻ hướng dẫn viên quốc tế của Đặng Văn Sĩ – người hướng dẫn đoàn khách gặp nạn tại thác Datanla.

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

Bình luận (0)