Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Kiểm soát đường huyết bệnh đái tháo đường

Tạp Chí Giáo Dục

Các bệnh nhân đái tháo đường được tư vấn và kiểm tra đường huyết tại Câu lạc bộ Đái tháo đường

Những người lớn tuổi thường bị ám ảnh bởi căn bệnh đái tháo đường nhưng có không ít bệnh nhân đã tự “vượt lên chính mình” bằng cách kiểm soát tình trạng để kìm hãm sự phát triển của bệnh tật khi tuổi đã về già.

Bệnh đái tháo đường, theo BS Lê Nguyễn Thụy Khương, Khoa Nội tiết thận (Bệnh viện Nhân dân Gia Định), còn được gọi là bệnh tiểu đường hay là bệnh dư đường gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thay đổi lối sống hàng ngày

Sau khi nghỉ kinh doanh ở chợ Bà Chiểu, bà Vũ Thị B., SN 1954, ngụ ở P.9, đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM thường có triệu chứng mất ngủ thường xuyên, hay đi tiểu đêm nên luôn trong tình trạng khát nước. Bà B. kể lại: “Lúc đầu cứ nghĩ đây chỉ là bệnh già do thận yếu nên tôi cũng không chú ý. Sau đó nghe lời khuyên của con gái, tôi đi khám để đo đường huyết mới biết mình bị bệnh đái tháo đường. Trước đây tôi cứ nghĩ chỉ những người hay ăn đường mới mắc căn bệnh này, ai ngờ bây giờ đến lượt mình khi đã về già”. Không chỉ hoa mắt, choáng váng thường xuyên mà bà B. còn bị mệt mỏi, uể oải và sau đó sụt ký thấy rõ. Cũng nhờ máy đo đường huyết mà ông Lê Đình L. một cựu chiến binh 70 tuổi ở khu tập thể căn cứ 22, P.17, Q.Gò Vấp phát hiện mình mắc bệnh đái tháo đường: “Không chỉ tiểu nhiều hay khát nước mà tôi còn mau đói và thèm ăn hơn trước. Sau khi xét nghiệm ở Bệnh viện Quân y 175, BS cho biết lượng đường trong máu đã tăng cao hơn mức bình thường. Tôi thật sự hoang mang vì đã chứng kiến những người trong nhà trước đây bị biến chứng về tim mạch, thận, nhãn cầu nên quyết tâm chữa bệnh bằng mọi cách”.

Trong một lần đi tư vấn tại Câu lạc bộ Bệnh nhân đái tháo đường, bà B. được BS Trần Viết Thắng – Khoa Nội (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho biết những người thừa cân béo phì như bà rất dễ “vướng” vào bệnh đái tháo đường. “Cũng do ngồi buôn bán một chỗ, ít đi lại nên tôi bị béo phì cả chục năm nay. Tuy không ăn bánh kẹo nhiều nhưng hàng ngày tôi làm mấy cữ cà phê nên mới mắc bệnh tiểu đường như chẩn đoán của BS”.

Không nên ngộ nhận

BS Trần Viết Thắng còn lưu ý thêm, một số bệnh nhân như bà B. hay ông L. sau khi được điều trị một thời gian kiểm soát tốt đường huyết bằng chế độ ăn uống và tập thể dục, nhưng lại không uống thuốc hạ đường huyết thường vì cho rằng mình đã chữa trị khỏi bệnh đái tháo đường. Đây là điều ngộ nhận dễ đem đến sự chủ quan coi thường. “Trong trường hợp này dù không dùng thuốc hạ đường huyết, bệnh nhân vẫn cần đến khám BS định kỳ để được kiểm tra đường huyết thường xuyên và dùng thêm thuốc hạ đường huyết khi cần thiết” – BS Thắng khuyên.

Vốn tăng huyết áp thường xuyên và rối loạn mỡ máu nên ông L. mới mắc căn bệnh đái tháo đường khi tuổi đã cao. Cũng theo ông L. khi biết gia đình tôi có nhiều người bị tiểu đường BS khẳng định thêm nguyên nhân di truyền từ những người trực hệ như bố mẹ, anh chị em ruột trong nhà. Mặc dù biết hiện nay trên thế giới chưa có biện pháp nào giúp khỏi hẳn bệnh đái tháo đường nhưng với niềm tin có thể kiểm soát đường huyết tốt như lời khuyên thầy thuốc nên cả bà B. và ông L. đã quyết tâm thay đổi dần thói quen của lối sống cũ để ngăn chặn nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 trong cơ thể. Bên cạnh uống thuốc hạ đường huyết khi BS yêu cầu, các bệnh nhân đái tháo đường đã thay đổi chế độ ăn uống hợp lý hơn. Nếu bà B. “đoạn tuyệt” từ từ với cà phê trong thời gian đầu thì ông L. lại tăng cường ăn nhiều trái cây và giảm tinh bột hơn trước. Ông L. cho biết, vốn trước đây ông rất ít ăn rau đặc biệt là trái cây thì hiện nay ông chỉ ăn 1 đến 2 chén cơm và tăng cường các loại đậu, rau xanh nhiều chất xơ. Cũng trong thời gian điều trị, theo lời khuyên của BS, không chỉ với cà phê thuốc lá mà ông L. còn phải “nói không” với bia rượu, đồ cay thức nóng. Từ bỏ thói quen ăn nhiều mỡ động vật, đồ ăn chiên rán nhiều dầu, bà B. còn tập ăn các loại cá biển, cá sông để ngăn chặn tình trạng lên cân của cơ thể hơn 80kg.

Kiểm soát cách ăn uống

Theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng, bệnh nhân đái tháo đường cần biết lựa chọn khi ăn trái cây, tránh nhiều loại hoa quả chỉ số đường huyết cao mà chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như chuối, xoài, đu đủ, táo, lê, đào. Nếu ăn các loại ngũ cốc thì cũng dùng thực phẩm chế biến tự nhiên như cơm cháo, tránh các loại chế biến sẵn như bánh bún, hủ tiếu, phở còn có ít chất xơ. Thay vì uống nước ngọt, nước có ga theo thói quen thì thay bằng nước chè xanh, trà, nước tinh khiết.

Một cách kiểm soát cân nặng của những người cao tuổi là năng tập thể dục và thường xuyên vận động. Nhất là đối với người bị tiểu đường nếu không chịu vận động thì nguy cơ biến chứng như đột quỵ và đau tim là khó tránh khỏi. Ngoài việc kiểm tra đường huyết tại bệnh viện, ông L. còn tự kiểm tra đường huyết hàng ngày bằng dụng cụ tại nhà. Đây cũng là cách theo dõi biểu đồ đường huyết sát sao nhất để bệnh nhân tự điều trị tốt cho chính mình.

Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)