Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Không tích hợp Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Giáo dục và Hội Khoa học lịch sử thống nhất bậc THPT, Lịch sử là môn học bắt buộc và không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc, học sinh chọn Sử để thi đại học sẽ học Lịch sử nâng cao, đây là môn độc lập. 

Chiều tối 7/12, Ban tuyên giáo Trung ương chủ trì cuộc họp giữa Bộ Giáo dục và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bàn về "số phận" của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. 

Theo VTV, sau cuộc làm việc, Bộ Giáo dục và Hội Khoa học Lịch sử đã bước đầu thống nhất một số quan điểm khi thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Lịch sử đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình phổ thông và là nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh từ tiểu học đến THPT. Vấn đề cần thảo luận là Lịch sử sẽ độc lập trong toàn bộ chương trình hay được tích hợp với một hoặc một vài môn học khác.

khong-tich-hop-lich-su-vao-mon-cong-dan-voi-to-quoc

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử. Ảnh: HT

GS Trần Thị Vinh (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, theo khảo sát ở 31 nước cho thấy xu hướng của họ là tách môn Lịch sử, có tích hợp ở cấp 1, cấp 2 một phần và cấp 3 là hoàn toàn tách. 

Trong khi đó, theo Ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới, thống kê tình hình đào tạo môn Lịch sử ở hơn 40 quốc gia trên thế giới do UNESCO cung cấp thì số nước dạy tích hợp Lịch sử ở phổ thông cũng nhiều không kém. Vấn đề quan trọng là xác định mục tiêu giáo dục. 

"Theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã được thông qua tại nghị quyết 29, giáo dục sẽ chuyển từ mô hình truyền thụ kiến thức sang mô hình đánh giá năng lực. Với mục tiêu này, việc tích hợp các môn sẽ giúp giảm tải kiến thức cho học sinh và hình thành năng lực tổng hợp cho các em", đại diện Ban soạn thảo chương trình cho hay.

Bộ Giáo dục và Hội Khoa học Lịch sử sau đó đã thống nhất ở bậc tiểu học, môn Sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng một số môn khoa học khác. Lịch sử sẽ được dạy qua các câu chuyện để tạo hứng thú và hiểu biết cho học sinh.

Bậc THCS có hai phương án cần nghiên cứu: Hoặc là để Sử và Địa là hai môn độc lập, viết thêm phần tích hợp giữa hai môn này để học sinh phát triển khả năng tổng hợp (như vậy sẽ có ba cuốn sách). Phương án 2 là xây dựng môn Sử Địa tích hợp gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý. Những phần kiến thức có liên quan sẽ tạo thành những chuyên đề liên môn (phương án này chỉ có một cuốn sách).

Ở bậc THPT, Lịch sử là môn học bắt buộc nhưng không tích hợp Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc. Học sinh chọn Lịch sử để thi đại học sẽ học Lịch sử nâng cao, đây là môn độc lập. Còn học sinh không theo Lịch sử như định hướng nghề nghiệp sẽ học bắt buộc môn Sử Địa với kiến thức cơ bản. Điều này đảm bảo tất cả học sinh vẫn học Lịch sử nhưng ở các cấp độ khác nhau. 

Hiện nay, môn Lịch sử với Tiếng Việt – Văn học, Toán đều được coi là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc".

Lan Hạ/VNE

 
 

Bình luận (0)