Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Khí cầu khổng lồ chở được 66 tấn hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Một tập đoàn sản xuất phương tiện bay ở Mỹ nghiên cứu chế tạo khí cầu chở hàng khổng lồ phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự. 

1_1441354869.jpg

Dragon Dream, phiên bản Aeroscraft kích thước nhỏ được thử nghiệm năm 2013.

Aeroscraft là loại khí cầu chở hàng do Worldwide Aeros thiết kế và sản xuất ở Tustin, bang California.

Hệ thống kiểm soát nổi của chúng dựa trên hoạt động nén và thả khí heli. Để hạ thấp độ cao của khí cầu, nguồn khí heli sẽ bị nén chặt trong một thùng chứa đặc biệt, trong khi thùng chứa còn lại được lấp đầy bằng không khí thường nặng hơn heli. Để bay lên, khí cầu sẽ giải phóng khí heli và xả bớt không khí nén trong thùng chứa ra ngoài.

Hoạt động của các cánh quạt đồng thời giúp khí cầu cất cánh và hạ cánh mà không cần sự trợ giúp của đội hỗ trợ trên mặt đất. Nhờ đó, nó cũng có thể giữ thăng bằng khi dỡ hàng mà không cần thêm tải trọng dằn.

Khí cầu có thể cất cánh, hạ cánh trên mọi dạng địa hình như một chiếc trực thăng, nhưng điểm khác biệt là khả năng chở hàng hóa lớn hơn rất nhiều. Phương tiện chở hàng này có thể bay ở khoảng cách rất xa mà không cần sân bay hay bãi đáp.

Thông thường, hàng hóa từ nhà máy được chất lên xe tải và đưa đến điểm tập kết, sau đó vận chuyển bằng đường sắt hoặc đường thủy trên các hành trình xuyên Thái Bình Dương. Quy trình này sẽ được tối giản bằng cách sử dụng khí cầu để lấy hàng từ một nhà máy tại châu Á, sau đó thả xuống kho chứa tại Mỹ, nơi chúng được vận chuyển trực tiếp đến nhà kho.

Năm 2013, Aeros hoàn thiện và thử nghiệm phiên bản thu nhỏ mang tên Dragon Dream của khí cầu này. Phiên bản thu nhỏ này có chiều dài 90 m, chiều ngang 27 m. Tuy nhiên, nó đã bị hư hại sau khi phần mái của nhà chứa bị sập. Tập đoàn Worldwide Aeros đang thiết kế phiên bản có chiều dài 169 m, chở được hàng hóa nặng 66 tấn. Dự án được Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA) hỗ trợ kinh phí 35 triệu USD.

Igor Pasternak, giám đốc điều hành của Aeros, cho biết khí cầu sẽ được sử dụng trong hoạt động quân sự, các nhiệm vụ cứu hộ của chính phủ Mỹ và phục vụ nhu cầu chở hàng thương mại.

Nó cũng có thể cung cấp một lượng lớn lương thực và vật dụng cần thiết cho binh sĩ hoạt động ở vùng rừng núi hiểm trở. Mục tiêu của Aeros là chế tạo những khí cầu khổng lồ có thể chở hàng hóa nặng 250 tấn và 500 tấn.

Thùy Linh (theo vnexpress)

Bình luận (0)