Trẻ nhỏ thích làm chức này, chức nọ là chuyện bình thường. Bởi tâm lý các em thích quản lý chỉ huy, quát tháo, sai bảo các bạn cùng tuổi. Nhiều em nghĩ rằng cương vị đó rất oai phong. Từ đó không ít bậc phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách “lo” cho con một chức nào đó trong lớp học. Tuy nhiên, nếu trẻ quá sính chuyện làm cán bộ để thể hiện trước mọi người thì cần phải xem xét lại vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện nhân cách của các em.
Bé An (8 tuổi) học lớp 3 – con của chị hàng xóm – ra vẻ sành sỏi trò chuyện với tôi: “Cô đã “chạy” cho bạn Kiên nhà cô làm lớp trưởng chưa? Làm lớp trưởng sướng lắm đó cô! Các bạn trong lớp ai cũng phải nể sợ mình hết cô ạ!”. Tôi hỏi đùa: “Thế năm nay con giữ chức vụ gì?”. Bé An nhanh nhảu: “Cháu nói mẹ xin cô giáo cho cháu được làm lớp trưởng rồi. Năm nay cháu không để mất chức lớp trưởng nữa đâu! Cháu có cách giữ chức rồi”. Mẹ bé An đứng cạnh còn thanh minh: “Con bé bảo với tôi: Nếu mẹ không xin cô giáo cho con làm lớp trưởng thì con chẳng chịu đi học. Vì thế tôi đành chịu khó đi tâm sự với cô giáo những mong muốn của con mình. May nhờ chỗ quen biết nên cô giáo chủ nhiệm hứa sẽ cho cháu làm lớp trưởng một tuần, nếu tiến bộ thì cô sẽ phân công tiếp”.
Vẫn biết khi làm cán bộ lớp đòi hỏi những kỹ năng tổng hợp, không phải trẻ nào cũng có tư chất làm lãnh đạo. Làm cán bộ lớp trẻ cũng phải tốn nhiều công sức hơn để giúp giáo viên chủ nhiệm giám sát, nhắc nhở các bạn tuân thủ nội quy của lớp, của trường để chung tay xây dựng nề nếp kỷ luật. Qua việc làm cán bộ lớp, trẻ sẽ hình thành được những phẩm chất, kỹ năng cần thiết thuận lợi cho việc hòa nhập xã hội sau này. Nhiều trẻ đã trưởng thành hơn và có kỹ năng ứng xử giao tiếp, có kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phán đoán, ra quyết định… khi thực thi trách nhiệm của mình. Nhưng, mặt trái của vấn đề này là cũng có trẻ nhận ra sức mạnh của cương vị mình nắm giữ, nên ra oai để dọa dẫm, bắt nạt bạn bè, thậm chí bao che, bênh vực cả bạn xấu, lập thành những băng nhóm “gấu nhí” ức hiếp các bạn yếu thế khác.
Cha mẹ cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và hội phụ huynh đề nghị cho trẻ luân phiên làm cán bộ để thu được kết quả tốt hơn trong giáo dục toàn diện, góp phần xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ít nhất một lần trẻ được làm cán bộ lớp và điều này góp phần cải thiện hành vi, giáo dục kỹ năng sống, giao tiếp cho các em ngay từ bậc tiểu học. Nhiều học sinh bướng bỉnh, chưa ngoan cũng đã trở nên ngoan ngoãn và học giỏi hơn…
Phạm Nguyễn
Bình luận (0)