Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

TTO – Thông tin từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT, dữ liệu đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh đã được chuyển cho các cụm thi.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM trong lần nghe hướng dẫn ghi hồ sơ dự thi THPT quốc gia – Ảnh: Như Hùng (TTO)

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT, cho biết số liệu thống kê trên toàn quốc cho thấy tổng số thí sinh đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia là 1.004.484 thí sinh.

Trong đó, tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 279.001 thí sinh, tổng số thí sinh dự thi với hai mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ là 592.934. Còn lại, tổng số thí sinh tự do, đã tốt nghiệp THPT các năm trước, chỉ đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH là 132.552 thí sinh.

Trong khi đó mọi năm, số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ khoảng 2 triệu hồ sơ, trong đó khoảng 30% hồ sơ ảo và số lượng lượt thí sinh dự thi là 1,4 triệu.

Theo ông Nghĩa, mọi năm do thí sinh đăng ký thi ba đợt (hai đợt thi ĐH và một đợt thi CĐ) nên rất khó thống kê chính xác được tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT không dự thi ĐH, CĐ. Ước tính trung bình cả nước có hơn 20% thí sinh tốt nghiệp THPT không dự thi ĐH, CĐ mà đi học nghề hay học các khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn khác để tham gia thị trường lao động.

Năm nay số liệu rõ ràng hơn nên có thể thống kê chính xác qua thông tin đăng ký của thí sinh. 28% thí sinh thi ở cụm thi địa phương để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT có thể đi học nghề hay tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh.

Số liệu cụ thể thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia theo môn thi như sau:

Toán: 959.299 (95,5% thí sinh dự thi); văn: 937.304 (93,3%); ngoại ngữ: 743.067 (74%); lý: 470.867 (46,9%); hóa: 459.310 (45,7%); sinh: 283.033 (28,2%); sử: 153.688 (15,3%); địa: 386.941 (38,5%).

Trước số liệu này, một số người cho rằng môn sử, môn địa ngày càng trở nên “lép vế” trong lựa chọn môn thi của thí sinh.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết nếu so sánh với các năm trước ở các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ phải đăng ký theo khối thi truyền thống, thì thí sinh lựa chọn môn sử, địa năm nay lại nhiều hơn hẳn.

Theo đó ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước, thí sinh dự thi môn sử, địa (tương đương việc lựa chọn khối C truyền thống) chỉ ở mức trên 60.000 thí sinh, trong khi thí sinh dự thi môn sử năm nay cao hơn 2,5 lần (153.688 thí sinh) và môn địa tăng hơn sáu lần (386.941 thí sinh).

Ngọc Hà – Vĩnh Hà (Theo TTO)
 
 

 

Bình luận (0)