Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nga: Tăng cường giáo dục lòng yêu nước cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Nga ngày càng được tăng cường giáo dục lòng yêu nước (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã yêu cầu các trường phổ thông ở Nga tăng cường giáo dục lòng yêu nước cho học sinh. Theo đó, các trường phải đưa vào chương trình nội khóa bài học “Lòng dũng cảm” dành cho học sinh lớp 10 và 11 ngay từ ngày khai giảng năm học 2010-2011.
Bà Alina Khorocheva, người phát ngôn của Tổ chức “Hợp tác tình nguyện với Quân đội, Không quân và Hải quân” (HTTNQĐKQHQ) xác nhận rằng trong khuôn khổ của chương trình mới về công tác chuẩn bị cho thanh niên phục vụ quốc phòng, bài học này sẽ được giảng dạy hàng năm.
Trước đây, loại bài giảng này được thực hiện trước những ngày lễ quân đội, như Ngày Bảo vệ tổ quốc (23-2), hay là Ngày Đại thắng (9-5), nhưng nay Tổng thống Medvedev yêu cầu nhà trường tăng cường nội dung giáo dục lòng yêu nước trong chương trình học, nên bài học về “Lòng yêu nước” cũng phải được giảng dạy ngay trong ngày khai giảng. Đó là một sáng kiến được hậu thuẫn “từ cấp trên”, theo lời một người trong Tổ chức HTTNQĐK-QHQ. Bà Khorocheva cũng giải thích rằng trong 15 ngày đầu tháng 8, những hướng dẫn của Tổ chức HTTNQĐK-QHQ và chỉ thị của Bộ Giáo dục đã được gửi đến các nhà lãnh đạo giáo dục địa phương, kèm theo những tài liệu như bài giảng, băng video… Ngoài ra, các cựu chiến binh, sĩ quan, cán bộ, học sinh cũ của trường có tham gia kháng chiến cũng sẽ tham gia kể những chuyện chiến đấu cho học sinh nghe.
Ông Alexandre Kanchine, Chủ tịch Nhóm Sĩ quan quốc gia dự bị nói: “Giáo dục bằng cách nêu những gương xả thân vì nước, cung cấp cho thanh niên kiến thức cơ bản để sẵn sàng bảo vệ tổ quốc khi tổ quốc yêu cầu là những điều mà trước kia nhà trường chưa thực hiện. Ngày nay trên khắp tổ quốc Nga, nhiều cựu chiến binh đến giao lưu gặp gỡ học sinh khi các em học bài giảng về “Lòng dũng cảm”. Đó là điều rất tốt. Nhưng tốt nhất là học đi đôi với hành, nghĩa là sự chuẩn bị về tinh thần và kiến thức cơ bản về quốc phòng phải là một bộ phận hữu cơ của chương trình giáo dục, và đó là một môn học bắt buộc. Cựu chiến binh phải tham gia vào công tác này”.
Tổ chức HTTNQĐKQHQ tin chắc rằng đó là mục tiêu mà các nhà lãnh đạo Nga muốn hướng tới.
Trong khi đó bà Valentina, Tổng thư ký Hội các bà mẹ chiến sĩ (một trong những hội phi chính phủ lớn nhất nước) tỏ ra chưa đồng tình với Chính phủ về vấn đề giảng dạy kiến thức quốc phòng cơ bản cho học sinh phổ thông. Bà nói: “Tôi không đồng ý quân sự hóa nhà trường xem như một biện pháp thường xuyên để giáo dục lòng dũng cảm cho học sinh. Đưa yếu tố “quân sự” vào như là một bộ môn bắt buộc để giáo dục lòng dũng cảm, như thế cũng đồng thời đưa yếu tố bạo lực vào trường. Vì sao? Vì muốn bảo vệ tổ quốc phải sẵn sàng chiến đấu, tức là phải biết bắn giết bằng vũ khí. Giáo dục học sinh theo hướng đó là vi phạm công ước về quyền của trẻ em”. Bà Valentina nhấn mạnh rằng huấn luyện kiến thức quân sự qua chương trình giáo dục bắt buộc chỉ phù hợp với thanh niên từ 18 tuổi trở lên, và không một lý do gì có thể thực hiện điều này trước tuổi trưởng thành. Nếu thực hiện bắt buộc chương trình này trước lớp 10 (lớp 11 ở Việt Nam) cha mẹ các em có quyền kiện.
 Ông Alexandre Ovchin-nikov, một sĩ quan dự bị, cựu chiến binh đã ở trong quân đội 30 năm, lại nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác: “Các nhà lãnh đạo đã đi quá xa. Trên đất nước chúng ta, vấn đề nghĩa vụ quân sự đã được nhìn với con mắt khác với thời chiến tranh lạnh, nghĩa là có tính cách “dân sự” hơn. Quân đội được nghỉ cuối tuần, được nghỉ phép nhiều hơn, Trong khi đó trong trường phổ thông người ta thay một số giờ về khoa học xã hội bằng các giờ tập quân sự. Có cần thiết không, khi mà trên thực tế đất nước không đứng trước một hiểm họa xâm lược nào”. Ông cho rằng nếu Chính phủ đã quyết định thời gian nghĩa vụ quân sự của thanh niên bắt đầu từ 2008 chỉ có một năm, thay vì 2 năm như trước kia, thì trong một năm tại ngũ đó phải tăng cường luyện tập, không có nghỉ phép. Ông nói tiếp: “Nếu như vậy thì không cần chuẩn bị cho học sinh vào quân ngũ làm gì cho sớm. Nhà trường nên dành thêm thời giờ để trau dồi kiến thức cho các em, cho các em rèn luyện các môn thể dục thể thao có liên quan phần nào đến quân sự, và cho các em tùy chọn theo sở thích”.
Dù còn có những ý kiến khác nhau về hình thức tổ chức giảng dạy “Lòng dũng cảm” sao cho thích hợp với học sinh phổ thông nhưng chỉ thị của Tổng thống và Bộ Giáo dục vẫn phải được thực hiện nghiêm chỉnh bắt đầu từ ngày khai giảng năm học 2010-2011 trên toàn nước Nga.
(Theo Courrier international số 8/2010)
Phan Thanh Quang

Bình luận (0)