Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: “Vườn phát triển” – cầu nối giữa nhà trẻ và mẫu giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học mẫu giáo ở Pháp. Ảnh: I.T

Từ năm 2009 Bộ Giáo dục Pháp cho thí điểm trong 2 năm một hình thức Tổ chức Giáo dục trung gian nằm giữa nhà trẻ và nhà trường mẫu giáo, gọi là “Vườn phát triển” (tạm dịch từ “Jardin d’éveil”). Ý kiến “độc đáo” này được ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục ủng hộ, nhưng cũng gây tranh cãi trong ngành giáo dục và dư luận xã hội.
Đối với ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xavier Darcos, thì điều đó thật rõ ràng: “Gọi là đi học, thì phải từ ba tuổi”. “Ngày nay trẻ em 2 tuổi không còn có chỗ trong trường mẫu giáo nữa. Thế nhưng một trong năm em 2 tuổi vẫn còn được đón đến trường mẫu giáo, và nếu được tổ chức tốt, thì cũng rất tốt”. Đó là lời khẳng định của Agnes Florin – nữ giáo sư về tâm lý giáo dục ở Đại học Nantes (Loire-Atlantique), người bảo vệ những giá trị của giáo dục trước tuổi đi học.
Nhưng đối với một số người có uy tín trong lĩnh vực giáo dục, sư phạm, thì khuôn khổ “nhà trường” với những quy định mô phạm cổ điển của nó, không thích hợp với trẻ 2 tuổi, là tuổi “nửa hài nhi, nửa trẻ con”.
“Gần như toàn thể các nhà tâm thần học về trẻ em và thanh niên và những hiệp hội gia đình đã chứng minh rằng việc bắt trẻ em 2 tuổi đi học ở trường là không thích hợp”. Đó là ý kiến của bà Nadine Morano, Thư ký Quốc gia. Bằng chứng là hai báo cáo của đại biểu quốc hội, một của đại biểu Michele Tabarot vào tháng 7 năm 2008, một của những đại biểu Monique Papon và Pierre Martin, giải thích rằng “trẻ em 2 tuổi là một thực thể cần phải có thời gian để phát triển, định hình và “chín dần dần”. Khuôn khổ của trường mẫu giáo không thích hợp với tâm sinh lý của chúng, vì có quá nhiều điều bó buộc, hạn chế”.
 Bà Agnes Florin phàn nàn “Cuộc tranh luận này khó ngã ngũ vì những nhà hoạt động chính trị thường đánh giá những kết quả nghiên cứu của các trường đại học thấp hơn là quan điểm của một số người lãnh đạo”. Như bà Claire Busset, một người trước kia chuyên bảo vệ quyền lợi trẻ em, còn đối với những ý kiến của các nhà tâm thần học về trẻ em và thanh niên thì bà Agnes Florin cho rằng: “Họ chống đối lại việc cho các trẻ em từ 2 tuổi đi học ở trường vì họ chỉ dựa vào một vài trường hợp không tiêu biểu nào đó khi đi thăm một số lớp, như vậy thì làm sao từ đó suy ra một kết luận đúng đắn được!”. Để phản bác lại, bà Nadine Morano nói: “Trẻ 2 tuổi chơi nghịch thoải mái, và buổi trưa thì ngủ tha hồ. Như vậy mà gọi là đi học ở trường hay sao? Theo tôi đó chỉ là một loại nhà trẻ. Đừng có gán ghép cách canh trẻ với trường học!”.
Chính vì những lý do đó (tranh luận chưa ngã ngũ) mà bà Thư ký Nadine Morano dự định thí điểm từ tháng 9 năm 2009 tổ chức những “Vườn phát triển” trong các quận Mayenne và Rhône. Tọa lạc trên những khuôn viên học đường, cấu trúc mới này “nằm giữa nhà trẻ và nhà trường” phải sử dụng nhân sự được đào tạo chuyên để giáo dục trẻ em, được tài trợ bởi những cộng đồng địa phương, và quỹ trợ cấp gia đình. Các gia đình có con gửi ở đây cũng phải đóng góp tùy theo thu nhập của mình, như là phí tổn cho mọi hình thức trông trẻ vậy. Đối với Bộ Giáo dục quốc gia, cách tổ chức này rất có lợi vì nó cho phép các trường mẫu giáo chỉ nhận các em từ 3 tuổi, và sắp xếp lại vài nghìn cô dạy mẫu giáo, bằng cách chuyển gánh nặng cho người khác…
Sau hai năm (2011) Bộ Giáo dục sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, và quyết định đưa các em từ 2 đến 3 tuổi vào nhà trẻ hay vào nhà trường.
Cũng có ý kiến cho rằng cuộc tranh luận này không ích lợi gì, chỉ là “tranh cãi về chữ nghĩa”. Vấn đề cơ bản là mục tiêu giáo dục, nội dung, phương pháp giáo dục, cách quản lý…, còn tên gọi là “Nhà” hay “Vườn” không quan trọng lắm.
(Theo Thế giới Giáo dục)
Phan Việt Khoa

 

Bình luận (0)