Hội nhậpGiáo dục phát triển

Thầy Phạm Hoài Phúc: Cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Được bố mẹ đặt cho một cái tên rất đẹp: Phạm Hoài Phúc, thế nhưng dường như cuộc đời của anh không được như tên gọi khi mà vừa lên 9 tuổi anh đã phải gánh chịu sự hành hạ của chứng bệnh viêm đa khớp và phải nằm liệt một chỗ…
Người dân làng Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi không ai là không biết đến “thằng Phúc đa khớp”. Mặc dù thời gian đã qua lâu, thế nhưng khi được hỏi về Phúc thì bất cứ ai cũng có thể kể vanh vách “sự tích” về anh chàng vượt khó ấy. Sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh em, lên 9 tuổi Phúc đã bị chứng bệnh viêm đa khớp đặc biệt, tấm thân bé bỏng suốt ngày cứ nằm co ro trên giường bệnh, thỉnh thoảng lại nghiến răng đến chảy máu vì cơn đau hành hạ. Thế nhưng, nhìn cha mẹ vất vả làm lụng để nuôi mình và các em, Phúc quyết tâm không đầu hàng số phận. Với đôi nạng gỗ trong tay, Phúc lê từng bước khó nhọc tìm hiểu nghề quay tơ và nhận tơ về nhà làm để kiếm tiền giúp mẹ mua gạo. “Trong thời gian đầu, mỗi bước đi của tôi như kéo dài cả thế kỉ bởi những khớp chân như bị đóng đinh, cứ cử động là đau đến hoa cả mắt. Có lúc tôi muốn từ bỏ tất cả và chấp nhận số phận. Thế nhưng, nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến những đứa em thơ dại, tôi lại có thêm nghị lực để đứng dậy sau mỗi lần té ngã…”, Phúc tâm sự.
Dường như những đau đớn hàng ngày không đủ giết chết ước mơ học tập cháy bỏng trong con người nhỏ bé ấy. Với số tiền ít ỏi kiếm được, Phúc vừa phụ mẹ vừa mua sách vở về nhà để tự học. Đến năm 15 tuổi, Phúc xuất sắc được học vượt lớp 3 và lớp 4 để vào thẳng lớp 5 và được tuyển lên học THCS. Trong thời gian này, Phúc vừa đi học vừa tự nghiên cứu nghề sửa chữa điện tử. Vào lớp 8, Phúc đã có thể nhận sửa chữa điện tử tại nhà để kiếm tiền nuôi em. Đến năm 2000, toàn bộ gánh nặng gia đình đổ lên đôi vai bé bỏng và gầy guộc của Phúc khi vì hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ anh phải lên ĐăkNông khai khẩn đất hoang. Nén những cơn đau giày vò, Phúc phải tự tập đi xe đạp để có thể vượt quãng đường gần 20km đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh học bổ túc THPT. Thời tiết khắc nghiệt của miền Trung không đủ làm sờn lòng chàng trai hiếu học. Dù mưa hay nắng, người ta vẫn thấy một anh chàng gầy còm cong lưng trên chiếc xe đạp cọc cạch đến lớp…
Xong lớp 12, Phúc thuyết phục em trai vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở lại chăm sóc 2 em gái, còn anh một mình vào TP.HCM lập nghiệp. Thấm thía được cuộc sống cơ cực ở quê nhà nên Phúc không ngần ngại làm đủ thứ nghề, từ gia sư cho đến việc sửa chữa đồ điện tử ở chợ Nhật Tảo để kiếm tiền. Gom góp được bao nhiêu tiền là anh liền tìm đến các trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ, Trung học dân lập Công nghệ thông tin Sài Gòn… để học nghề điện tử, vi tính và tự nghiên cứu thêm bằng sách vở.
Với kiến thức và nghị lực của mình, Phúc đã vượt qua kỳ kiểm tra năng lực giảng dạy ở Viện Công nghệ viễn thông Sài Gòn và được thầy Viện trưởng Nguyễn Minh Hoàng giữ lại làm việc. Đồng thời, năm 2007, thầy Phúc tự đứng ra mở trung tâm sửa chữa và bảo trì điện tử, cưu mang hàng chục học viên cơ nhỡ, khuyết tật.
Em Diệp Hồng An – sinh năm 1990, quê ở Sóc Trăng – xoa xoa cánh tay trái teo tóp kể: “Em bị chấn thương sọ não vì tai nạn, đầu óc cứ ngây ngây, bán thân tê liệt. Thầy Phúc đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy nhận em về dạy nghề và chăm nom như em ruột của mình. Không chỉ mình em, đa số các bạn ở đây đều có hoàn cảnh khá đặc biệt và đều nhận được sự cưu mang của thầy Phúc”.
Biết được khả năng giảng dạy và tấm lòng của thầy Phúc, nhiều trung tâm lắp ráp, sửa chữa điện tử, công ty lắp ráp, sửa chữa điện thoại di động trong TP đã săn tìm và thu nhận tất cả học viên sau khi được cấp chứng chỉ. Nhờ vậy, gần như tất cả học viên tốt nghiệp tại trung tâm của thầy Phúc đều có việc làm ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Phúc cho biết: “Hiện nay, trung tâm của Phúc đang tổ chức 2 chương trình học là Điện thoại di động và Điện tử. Sau 4 tháng học tập, học viên sẽ được trung tâm tổ chức thi và được nhận chứng chỉ do Viện Điện tử Tin học TP.HCM cấp. Với những học viên chưa đạt, trung tâm sẽ tiếp tục đào tạo cho đến khi đáp ứng đủ yêu cầu.”
Vất vả là vậy, thế nhưng gần như toàn bộ số tiền thu được từ học phí của học viên và công tác bảo trì, sửa chữa đều được Phúc phân bổ làm từ thiện. “Tháng nào cũng thâm hụt, nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy vui vì được làm điều gì đó giúp đời”, Phúc lạc quan nói.
Hữu Thành
Chi tiết liên hệ:
131A Tân Chánh Hiệp 21, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM
Email: hoaiphuc_76@yahoo.com

Bình luận (0)