Một tiết học ngoại khóa của học sinh Indonesia (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Mỹ đã công bố quyết định cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho giáo dục Indonesia. Đại sứ quán Mỹ ở Jarkata cùng với Ủy ban Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) đã dần biến cam kết ấy thành hiện thực.
USAID đã chi 10 triệu đô la để đào tạo đội ngũ giáo viên người Indonesia, xây dựng lại những trường học bị tàn phá bởi các thảm họa tự nhiên; khuyến khích các chương trình trao đổi học sinh và những chuyến du học ngắn ngày; thiết lập chương trình liên kết với các trường đại học cũng như thúc đẩy việc sử dụng các phương pháp dạy và học cải tiến. Những nỗ lực này là một trong những động thái nằm trong kế hoạch hỗ trợ 157 triệu đôla trong vòng 5 năm của Mỹ để cải thiện nền giáo dục ở Indonesia và cam kết hỗ trợ thêm 10 triệu đôla cho bậc giáo dục cao hơn cũng được đưa ra.
Tiếp cận nhiều khía cạnh để cải thiện giáo dục
Mỹ và Indonesia đã đưa ra kế hoạch xây dựng lại những trường học bị tàn phá ở phía tây Sumata, Indonesia. Kế hoạch tập trung chủ yếu vào khoảng 40 ngôi trường tiểu học bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất để 6.500 trẻ có thể tiếp tục đến trường. Các ngôi trường mới này sẽ đạt chuẩn về chống động đất. Ngoài ra, việc xây dựng trường sẽ sử dụng vật liệu địa phương và được tiến hành bởi người dân tại đây. “Những ngôi trường mới sẽ mang đến cho trẻ một môi trường học tập hiện đại và an toàn”, Cameron Hume – Đại sứ Mỹ ở Indonesia cho biết.
USAID đã bắt đầu việc xây dựng mới trị giá 10 triệu đôla cho hệ thống cơ sở vật chất đào tạo giáo viên tại Đại học Syiah Kuala (ở Aceh) – ngôi trường trước đây bị tàn phá bởi một cơn bão. Trường được thiết kế và xây dựng với các tiêu chuẩn tốt chống lửa, hạn chế tối đa tổn thất do những cơn động đất cũng như chú trọng đến việc tạo điều kiện học tập thuận lợi, hiệu quả và an toàn nhất cho người khuyết tật. Trong vài năm tới, các trường sư phạm hiện đại hy vọng sẽ đào tạo và tăng số giáo viên có bằng cấp ở Aceh cũng như tăng số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm từ 500 lên 800 sinh viên.
Với những sự hỗ trợ từ USAID, hơn 9.000 trường học đã cùng đồng hành với chính quyền địa phương và các tổ chức tư nhân thực hiện việc quản lý và dạy học để chuẩn bị một nền tảng cho thành công trong tương lai của sinh viên Indonesia khi học ở bậc cao hơn hay trong công việc sau này của mình. Ví dụ như những lớp học ở Madrassah Tanjungpura được trang trí đầy màu sắc với những sản phẩm do chính các em học sinh làm. Những học sinh của trường rất nhiệt tình và ham học hỏi và khi làm việc theo nhóm, họ sẽ tham gia đóng góp nhiều hơn vào bài học của mình. Theo USAID, việc tạo nên môi trường học tập tương tác và sinh động thay cho cách học tập thụ động, cổ điển sẽ là tài sản kế thừa các dự án của DBE (Ủy ban về giáo dục thuộc USAID). Những việc cần làm khác chính là nâng cao chất lượng trường học và các tiêu chuẩn về bằng cấp giáo viên. USAID sẽ hỗ trợ hoàn toàn các hoạt động giáo dục, từ cấp mẫu giáo đến giáo dục cơ bản và những bậc cao hơn. Hơn thế nữa, dự án mang tên “Cơ hội cho trẻ em không may mắn” sẽ sử dụng nguồn lực từ cộng đồng để đưa những trẻ em có nhu cầu đặc biệt đến với trường học.
Đồng hành cùng các trường đại học
USAID đang làm việc với hơn 42 trường đại học đào tạo giáo viên để mang đến sự phát triển về chuyên môn cho giáo viên cả nước nhằm hình thành đội ngũ giáo viên chất lượng cao. Những dự án của USAID cho các bậc học cao hơn bao gồm việc thiết lập mối quan hệ giữa các học viện tại Mỹ và Indonesia để cùng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cũng như các ý tưởng về phát triển xã hội, khoa học và kinh tế tại hai đất nước ở hai phía Thái Bình Dương.
Thông qua những bước đầu trong đổi mới giáo dục, Mỹ đã mở rộng cơ hội nhận học bổng du học cho học sinh hai nước cũng như đẩy mạnh chương trình học tiếng Anh để trang bị tốt cho thế hệ lãnh đạo sau này của Indonesia. Mặt khác, việc này cũng góp phần xây dựng mối quan hệ giữa học sinh ở Mỹ và Indonesia. Chương trình Fulbright được quản lý bởi Quỹ trao đổi học sinh Mỹ – Indonesia hàng năm trao hơn 120 học bổng cho học sinh Mỹ, Indonesia học tập, giảng dạy và nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tương tự như ở Mỹ, giáo dục chính là chìa khóa để mở rộng cơ hội phát triển kinh tế ở Indonesia và cho phép mọi người thể hiện hết khả năng của mình.
(Theowww.america.gov)
Ngọc Trúc
Bình luận (0)