Học sinh trường THPT Ngô Gia Tự trong buổi tư vấn “Học một nghề, giỏi một đời” |
Đến thời điểm này, hầu hết các bạn học sinh khối 12 đã chọn được các ngành nghề và hoàn tất hồ sơ dự thi. Tuy nhiên, tại buổi tư vấn “Học một nghề, giỏi một đời”, khi được hỏi các bạn đã thực sự chọn đúng ngành nghề và có tin tưởng vào ngành nghề mình đang chọn hay chưa, vẫn còn nhiều bạn trả lời là chưa chắc chắn. Thực tế cho thấy tỉ lệ sinh viên sau khi ra trường làm trái ngành nghề chiếm tỉ lệ khá cao. Số lượng công nhân viên chưa hài lòng với công việc hiện tại cũng không ít. Điều này cho thấy thực trạng lựa chọn sai lệch ngành nghề trong quá trình tuyển sinh đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và thành công của các bạn trẻ sau này.
40% SV ra trường làm trái nghề
Chủ đề “Làm trái ngành” khiến rất nhiều bạn học sinh quan tâm bởi nó ảnh hưởng đến tương lai của các bạn. Giải thích về vấn đề này, tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Học một nghề, giỏi một đời”, thạc sĩ Trần Công Tuấn, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng nghề iSPACE cho biết: Xã hội Việt Nam hiện nay đang tồn tại một nghịch lý đó là trong khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn vì số lượng ứng cử viên đạt yêu cầu quá ít ỏi thì số sinh viên ra trường thất nghiệp lại ngày càng tăng. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH thì tỉ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành, trái nghề chiếm khoảng 40%. Hiện tại cả nước cũng chỉ có hơn 20 trường đại học đạt tỷ lệ 60% sinh viên sau khi ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo. Các con số cho thấy thực trạng sinh viên ra trường làm trái nghề là rất lớn. Vấn đề này gây nên hiện trạng lãng phí thời gian học tập, đào tạo và kinh phí chi cho giáo dục.
Bạn Thanh Thanh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Giồng Ông Tố cho biết khả năng học trái ngành là bởi sinh viên chọn ngành nghề theo định hướng của cha mẹ hoặc không được tư vấn kịp thời nên định hướng nghề sai lệch, sau này phát hiện ra ngành nghề đang theo đuổi không phù hợp với khả năng của mình nên chọn ngã rẽ khác. Bạn Bạch Tuyết, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến thì cho rằng do chọn trường, chọn ngành không phù hợp với sở thích, đam mê mà đơn giản chỉ vì ngành nghề này phù hợp với nhu cầu thực tế, dễ kiếm việc làm. Đến khi đi làm, sau một thời gian tỏ ra không hứng thú với công việc, họ quyết định chọn học thêm ngành nghề khác để có thể chuyển đổi công việc đúng với nguyện vọng của mình. Cũng có thể sau khi ra trường sinh viên không tìm được công việc đúng với chuyên môn nên chấp nhận làm công việc trái ngành cũng là nguyên nhân nhiều bạn học sinh đưa ra…
Theo thầy Trần Công Tuấn những câu trả lời của các em đều đúng, nhưng chưa đủ. Việc làm trái nghề có rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan và cũng có nguyên nhân khách quan. Việc các em chọn nghề theo định hướng của gia đình, theo phong trào trong nhóm bạn, hoặc chọn nghề theo nhu cầu của xã hội mà không tính đến sở thích và nguyện vọng của bản thân đều có thể dẫn đến việc làm trái ngành nghề sau này. Ngoài ra, tiêu chí mong muốn gần gia đình nên chấp nhận công việc trái ngành hoặc chuyển đổi công việc để có cơ hội thăng tiến là một trong nhiều lý do chủ quan để các bạn trẻ tạo một ngã rẽ khác. Trong hoàn cảnh khách quan hơn, việc lựa chọn môi trường đào tạo không phù hợp, chưa đạt chất lượng cho tiêu chí công việc của bạn là nguyên nhân dẫn đến việc làm trái ngành nghề.
Nhiều hậu quả để lại
Định hướng không rõ ràng khi lựa chọn ngành nghề dẫn tới làm việc trái ngành dẫn tới nhiều hệ quả: thứ nhất, bạn sẽ mất đi nhiều năm đèn sách phí phạm nếu như bạn quyết định tạo bước ngoặt cho mình, lựa chọn ngành nghề đúng nguyện vọng. Thứ hai, khi bạn không hứng thú với công việc đang làm cũng có nghĩa là bạn đang hủy hoại tương lai của bạn. Hai điều trên dẫn đến việc lãng phí trong đào tạo, giảm năng suất và chất lượng trong công việc tại các doanh nghiệp dẫn đến nền kinh tế chậm tiến. Giải pháp nào cho những vấn đề và thực trạng trên?
Theo thầy Tuấn, quan trọng nhất trong việc giải quyết thực trạng “làm trái ngành” là các em cần xác định đúng 4 tiêu chí và điều kiện khi chọn ngành: đúng theo đam mê, nhu cầu thị trường lao động trong 4-5 năm kế tiếp, phù hợp với năng lực và điều kiện của gia đình. Biết kết hợp hài hòa 4 tiêu chí trên, các bạn sẽ thành công trong việc định hướng nghề nghiệp và tương lai cho mình sau này. Tuy nhiên, yếu tố không kém phần quan trọng, đó là các bạn phải chọn đúng môi trường đào tạo. Một vấn đề bức xúc của giáo dục đại học Việt Nam là đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp, đa phần thời gian học tập là lý thuyết trên giảng đường, sinh viên không có nhiều thời gian cọ xát, thực hành thực tế bởi nhà trường không có đủ phương tiện vật chất và đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn để hướng dẫn các em. Trong khi đó, quá trình thực tập của các em cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, không tích lũy cho mình kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.
“Doanh nghiệp hóa đào tạo” hay việc các trường liên kết với doanh nghiệp nhằm đào tạo một cách bài bản cho sinh viên sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tuyển lựa và đào tạo lại. Hơn nữa, các trường cũng có thể tận dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại của doanh nghiệp phục vụ công việc giảng dạy cho sinh viên, đảm bảo thời gian chủ yếu cho các em tiếp cận thực tế. Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp trong các chuyên đề hội thảo, thực tập và sát hạch báo cáo sẽ giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng nghề và chuyên môn của mình, đáp ứng tốt công việc sau này tại các doanh nghiệp.
Lê Thuộc
Bình luận (0)