Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Chợ tự phát: Kỳ cuối: Chưa tìm được lối ra

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều tiểu thương chợ Cây Thị chọn lòng lề đường là nơi mưu sinh sau khi chợ giải tỏa
Chợ tự phát bao lâu nay cứ “dẹp” rồi lại “phát” như một vòng luẩn quẩn không có lối ra. Tình trạng này chưa được giải quyết một cách triệt để, vì các giải pháp còn nhiều vướng mắc.
Không dẹp nổi chợ tự phát?
Chợ tự phát xuất hiện ở nhiều nơi, riêng lẻ hoặc “ăn theo” chợ truyền thống. Như một điều hiển nhiên, khi xuất hiện chợ tự phát sẽ làm giảm lượng khách hàng đáng kể của chợ truyền thống. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến một số tiểu thương ở các chợ đành đoạn bỏ sạp để chuyển ra buôn bán “chợ chồm hổm” ở lòng lề đường do tiền thuế, tiền hoa chi, tiền thuê sạp cao mà buôn bán lại ế ẩm nên kham không nổi.
Một cán bộ trong Ban quản lý chợ Tân Sơn Nhất, TP.HCM nhận định: Việc tiểu thương bỏ sạp ra chợ tự phát cũng có lý do chính đáng, do chợ nằm sâu trong đường và hẻm không có mặt tiền nên không thuận tiện cho việc thu hút người mua. Chưa kể chợ Tân Sơn Nhất được xây dựng quá lớn, thiếu tiểu thương buôn bán khiến không khí chợ kém vui.
Cùng “cảnh ngộ” như các chợ truyền thống khác, tiểu thương chợ Bình Long (đường số 3, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) cũng điêu đứng vì bị hai chợ tự phát bao vây trong 4 năm qua. Chợ Bình Long được xây dựng từ năm 2000, có 230 sạp nhưng khi xuất hiện hai chợ tự phát nằm trên đường số 3 và số 1A, gần một nửa tiểu thương của chợ phải bỏ sạp vì kinh doanh thua lỗ.
Bà Nguyễn Thị Lắm trước đây là chủ sạp 2 lô Đ (diện tích 2×1,7m) ở chợ Cây Thị, sau khi giải tỏa chợ, bà cùng nhiều tiểu thương khác “cố trụ lại chợ này, chấp nhận bán rau ở lòng lề đường vì khách hàng đã quen thân rồi, bỏ đi không đặng mà thực tâm là không muốn đến chợ mới. Vì dự trù đến nơi mới thì rồi cũng chết đói thôi”.
Đa phần những người bán hàng thuộc chợ tự phát chủ yếu là người ít vốn, hoặc là dân tứ xứ lên thành phố để mưu sinh. Họ họp chợ ở những nơi có nhiều người dân lao động nghèo, công nhân trong các công ty, xí nghiệp. Dẹp chợ tự phát cũng có nghĩa là phải giải quyết công ăn việc làm cho những lao động này. Việc này cho đến nay vẫn là “bài toán” khó.
Chợ tự phát cũng… “lên sạp”
Đã từ lâu lắm, chợ tự phát Bình Quới (phường 28, Bình Thạnh) đã xuất hiện và phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở khu vực này. Chính quyền phường cũng nhiều lần nhắc nhở tiểu thương chuyện vệ sinh nhếch nhác, lấn chiếm lòng lề đường gây kẹt xe, va quẹt, gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, chợ này “dẹp rồi lại mọc”, phạt rồi lại vi phạm. Cuối cùng xét thấy nhu cầu của người dân trong phường nếu không có chợ thì không được, nên chính quyền phường đã lên tiếng cho một hộ dân có mặt tiền đường rộng khoảng 30m “mở cửa” cho tiểu thương vào “lập chợ” để việc mua bán được trật tự, an toàn.
Bà Hai Nghe, “chủ chợ” cho hay bà cho thuê sạp theo gợi ý của chính quyền cũng là để giúp cho các tiểu thương có nơi mưu sinh hợp pháp và an toàn. Bà Hai bộc bạch: “Biết các tiểu thương này cũng là những hộ nghèo, khó khăn nên tôi cho thuê lấy tiền hàng tháng, chứ không lấy tiền cọc 3 hay 6 tháng như các nơi khác. Tôi làm như vậy là vì tiểu thương cũng phải có đồng vốn để xoay xở”.
Bà chủ chợ này được các tiểu thương yêu mến là vì lý do đó, vì bà biết thương cảm cho hoàn cảnh của họ. Để việc buôn bán của tiểu thương được thuận lợi, bà Hai Nghe còn dành khoảnh sân rộng cho khách hàng để xe cho an toàn. Thế nên mặt tiền chợ tự phát của bà Hai Nghe lúc nào cũng thông thoáng.
Hơn 20 tiểu thương ở chợ tự phát của bà Hai Nghe cũng kinh doanh đủ loại như là một cái chợ lớn thu nhỏ, nên có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân trong khu vực phường. Người dân ở khu vực này hay nói vui về chợ tự phát là “chợ bà Hai Nghe”. Chị Ngọc Hạnh thường mua hàng ở chợ này phấn khởi: “Mấy năm nay đi chợ bà Hai Nghe thấy an tâm lắm. Không như trước đây có khi đang mua hàng thì trật tự đuổi rất phiền phức. Rau cải, thịt cá bây giờ được bán ở chợ này cũng sạch sẽ, không nhếch nhác như trước đây nữa. Dân chúng ở đây ai cũng mừng trong lòng”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Nghị định 34/2010 của Chính phủ, điều 14 quy định: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ ngoài đô thị. Khoản 5a, thuộc điều 15 cũng quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm chiếm dụng đường phố để: Kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng; sản xuất, gia công hàng hóa; làm nơi trông, giữ xe; sửa chữa hoặc rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; làm mái che; thực hiện các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)