Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cô gái dân tộc Mông mở lớp học xóa mù chữ ở Lào Cai

Tạp Chí Giáo Dục

Vất vả kiếm sống, từ nhỏ không được đến trường học chữ, thế nhưng Tẩn Thị Shu tự học để rồi nói, viết tiếng Việt và tiếng Anh đều thạo. Không chỉ thế, cô còn mở lớp xóa mù chữ tình nguyện cho hơn 50 em và vận động nhiều em khác đến trường.

Vượt lên từ đứa trẻ nghèo 

Thân thiện, hiểu biết, ăn nói rất có duyên – đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về Tẩn Thị Shu. Trong hai năm vừa qua, Shu trở thành gương mặt trẻ ấn tượng của vùng cao Sa Pa.
Sinh ra và lớn lên trong gia nghèo dân tộc Mông ở Xã Lao Chải, huyện Sa Pa, Lào Cai, vì hoàn cảnh nhà nghèo, Shu không được đến trường cũng như nhiều cô gái vùng cao khác. Sớm lặn lội trải nghiệm nhiều nghề mưu sinh nhưng cuối cùng, nghề hướng dẫn viên du lịch là nghề giúp Shu trưởng thành trong cuộc sống. 26 tuổi, Shu đã có thâm niên hơn 15 năm làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Tuổi thơ của cô gắn bó với những bước chân theo mẹ lên nương, theo chúng bạn cùng trang lứa lên phố (thị trấn Sa Pa) để bán hàng rong cho khách du lịch. Rồi cái duyên may cũng đến rất tự nhiên khi tự Shu học được một vốn tiếng Anh kha khá. Vậy là cô trở thành hướng dẫn viên khi còn rất nhỏ tuổi, hàng ngày theo các đoàn khách đi cùng họ đến các bản làng.
Chính trong cuộc sống mưu sinh ấy, Tẩn Thị Shu nhận thấy cần phải học cái chữ thì mới có cuộc sống ấm no. Không được đến trường nhưng sau những lần tiếp xúc với du khách, Shu tự học chữ. Những cóp nhặt ấy đã giúp cô có cuộc sống tương đối ổn định như ngày hôm nay.
Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và những hiểu biết về văn hóa cũng như kiến thức xã hội của Shu, không ai nghĩ rằng cô chưa từng được đến trường. 
26 tuổi, Tẩn Thị Shu đã có thâm niên hơn 15 năm làm
nghề hướng dẫn viên du lịch.
Mở lớp tình thương
Từ cô bé bán hàng rong cho khách du lịch, giờ đây Shu đã trở thành bà chủ của ngôi nhà du lịch ở Sapa, tạo việc làm ổn định cho hơn 15 lao động. Từ công việc kinh doanh đó, cô đã làm nhiều việc từ thiện cho xã hội như mở lớp học tình thương miễn phí cho các em học sinh vùng cao; tham gia vận động các em đến trường học; ngăn chặn nhiều vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, năm 2010, Tẩn Thị Shu ủng 30 triệu cho Trường mầm non Lao Chải xây dựng trường lớp.
Hiện nay lớp học tình thương mà Shu mở có 50 em theo học, với nhiều lứa tuổi khác nhau. Ngoài việc học tiếng Việt và phép tính cơ bản, các em còn được Shu dạy tiếng Anh. Khi chúng tôi hỏi vì sao Shu lại có ý nghĩ mở lớp học mà mọi kinh phí đều do bản thân mình lo, cô chia sẻ: Trước đây em cũng giống nhiều đứa trẻ ở vùng cao Sa Pa này. Hoàn cảnh vất vả nên không đến trường, không biết viết, chủ yếu theo mẹ làm nương hoặc đi theo khách du lịch để bán hàng rong. Do đó mãi cuộc sống vẫn cứ nghèo đói. Khi bản thân mình có ít tiền từ việc kinh doanh du lịch, em quyết định mở lớp học nhằm giúp các em xóa mù chữ.
Được biết, ban đầu, lớp học do Shu chỉ có vài em học sinh, cơ  sở vật chất của lớp chẳng có gì ngoài bộ bàn nghế, bảng tự tạo. Thế nhưng lớp học mỗi ngày một đông. Vừa qua, lớp học của Shu được VTV6 Đài truyền hình Việt Nam tặng 1.000 cuốn vở cùng nhiều bộ sách giáo khoa phục vụ dạy học.  
Các em học sinh trong lớp học do Tẩn Thị Shu mở.
Không dừng lại ở đó. Nhiều học sinh biết đọc biết viết thì được Shu hỗ trợ các em trở lại trường học hoặc đi học nghề. Năm nay, Shu đã hỗ trợ hơn 30 em trở lại trường, nhiều em đi học các nghề như dệt.
Tấm lòng nhân ái của Shu không chỉ có vậy. Cách đây mấy năm, Shu nghe tin một em gái trong bản đã học hết lớp 12 mà vẫn ở nhà làm ruộng với gia đình. Thấy tiếc cho em ấy, Shu về tận nhà, rủ em lên thị trấn ở cùng mình trong căn phòng trọ, rồi động viên và cho em ấy tiền (2 triệu đồng) để đi học Nghiệp vụ du lịch tại Hà Nội. Cũng không phải là người khá giả, nhưng Shu nghĩ: số tiền ấy đối với mình cũng nhiều, nhưng nếu tiêu đi thì cũng hết, giúp được em ấy là một điều tốt.
Đi học để dạy các em nhiều hơn
Nhận thấy việc dạy xóa mù chữ với các em là chưa đủ, Shu quyết định mình phải theo học ở trường thì mới dạy cho được nhiều cái mới. Nghĩ là làm, Shu theo học ở Trường Giáo Dục Thường Xuyên huyện Sa Pa và hiện là học sinh lớp 11. Việc học những kiến thức những môn tự nhiên với Shu rất khó nhưng cô quyết tâm theo học.
Bước chân của Shu đã đi khắp các bản làng, không thể đo được quãng đường đó dài bao nhiêu và những bước chân ấy đã dạy cô biết bao nhiêu điều. Với Shu, giúp được nhiều người chính là niềm vui của cuộc sống. Hiện nay ngoài công việc hướng dẫn viên Shu kinh doanh du lịch, Shu còn tích cực tham chương trình tình nguyện, từ thiện xã hội.
Rời Lao Chải, chia tay cô gái Mông miền sơn cước, chúng tôi cứ lưu luyến mãi hình ảnh Shu và cảm động trước nhiều việc làm cao quý  của cô. Chúc Shu và nhiều đứa trẻ nghèo vùng cao sẽ thành công trên hành trình nhọc nhằn chinh phục cái chữ.
Tuấn Đức
(Dân trí)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)