Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ảnh: L.P.Trí

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong nhà trường được thể hiện ở nhiều khâu: dùng từ, đặt câu – diễn ý và bố cục đoạn văn, bài văn. Nhưng, trước hết là cách dùng từ.
Ở đây, chúng tôi xin bàn riêng về những cách sử dụng từ ngữ làm “mờ tối” tiếng Việt mà chúng ta thường thấy trong thời gian gần đây. Dưới đây là một số trường hợp thường gặp.
Dùng sai từ Hán – Việt
Lỗi này rất hay gặp. Cụ thể, mọi người hay sử dụng từ yếu điểm:Yếu điểm có nghĩa là điểm trọng yếu, điểm quan trọng, nhưng đã có người dùng từ yếu điểm để gọi thay cho nhược điểm, tức là điểm yếu kém của con người. Từ trạm xá: Hai tiếng này cùng nghĩa là nhà, nhưng nhiều nơi dùng từ trạm xá để chỉ nơi khám và chữa bệnh, tức là dùng thay cho từ trạm y tế, y xá hay bệnh xá. Từ khuyến mại: Có nghĩa là khuyến khích bán hàng, được dùng thay cho từ khuyến mãi, tức là khuyến khích mua hàng
Dùng từ pha trộn tiếng nước ngoài
Thật đáng tiếc là hiện tượng này xảy ra nhan nhản khắp nơi. Có người hiểu lầm rằng có pha trộn lai căng tiếng nước ngoài thì mới là “hiện đại hóa” và “cập nhật hóa” lời văn, nên họ sử dụng tiếng nước ngoài rất tùy tiện và cho đó là một phong cách “mới”. Ví dụ như cụm từ: Tổ chức đi tour Thái Lan. Đáng lẽ phải nói là đi du lịch Thái Lan; khai mạc Festival Hoa Đà Lạt: Đáng lẽ phải nói là khai mạc liên hoan hoặc lễ hội (hoặc Đại hội liên hoan) Hoa Đà Lạt…
Lạm dụng tiếng địa phương và tiếng lóng
Ai cũng biết rằng tiếng phổ thông là tiếng nói chung của cả nước (toàn dân), còn tiếng địa phương là tiếng nói chỉ lưu hành riêng ở một vùng, một miền, một địa phương của đất nước. Tiếng lóng là tiếng nói riêng biệt, có màu sắc “bí mật” của một nhóm người cùng làm một nghề nào đó. Tiếng lóng thiếu tính văn hóa và không phổ cập trong xã hội. Văn bản chung phải dùng tiếng phổ thông, đó là nguyên tắc căn bản. Còn tiếng địa phương thì chỉ được sử dụng trong một phạm vi nhỏ hẹp, hạn chế khi cần tô đậm cho bản sắc của một địa phương nào đó hoặc một nhân vật của địa phương ấy. Tiếng lóng thì được sử dụng hạn chế hơn nữa và cũng chỉ để khắc họa tính chất đặc biệt của một nhân vật trong một nhóm nghề nào đó. Thế mà có người dùng tiếng địa phương tiếng lóng một cách tùy tiện, như đã dùng các từ sau: Rúng động: Trong tiếng Việt phổ thông chỉ có từ rung động, chứ không có từ rúng động. Bật mí: Hoàn toàn không có nghĩa để chỉ ý “nói rõ ra”, “nói lộ bí mật”
Dùng từ tùy tiện, vô nguyên tắc
Đây là cách dùng từ “tự do”, không theo một nguyên tắc nào, dẫn tới sai nghĩa mà vẫn sử dụng một cách chủ quan. Trong các trường hợp này, xin dẫn các ví dụ sau đây: Du học tại chỗ: Thật là vô lí, du học là đi học ở nước ngoài, sao lại có kiểu du học tại chỗ? Ngân hàng đề thi, ngân hàng máu: Từ ngân hàng này dùng theo cách nói của người Pháp (banque) hoặc người Anh (bank) nên nó ngô nghê và lai căng trắng trợn! Sao không dùng từ “kho” của tiếng Việt, vừa đúng nghĩa lại vừa hay, tất nhiên là trong sáng, khỏi phải vay mượn làm gì! Và như vậy, ta sẽ có cụm từ kho đề thi, kho máu, thật là ổn định và dễ hiểu. Khiêm tốn: Có nghĩa là nhường nhịn, nhún mình xuống (không khoe khoang); thế mà có người nói: giá cả thật là khiêm tốn; ý nói: giá rẻ, ít tốn kém. Dùng như vậy là không chấp nhận được! Tất cả những trường hợp này đều là không ổn, mang tính “cá biệt”. Ngoài ra còn dùng cách nói tắt để hiểu theo ý riêng.
Biện pháp khắc phục
Muốn tìm biện pháp sửa chữa những sai trái nói trên thì cần phải biết nguyên nhân của nó. Có thể nói là do một trong các nguyên nhân sau: Do không biết nghĩa chính xác của từ Hán – Việt nhưng lại muốn “khoe chữ” để “làm sang” nên đã dùng sai từ Hán – Việt này hoặc do tư duy lười biếng, chủ quan, không chịu suy nghĩ và thiếu thận trọng trong cách dùng từ nên đã dùng cách nói tắt, dẫn đến tình trạng tối nghĩa. Do không biết nguyên tắc căn bản là viết văn bản chung bằng tiếng phổ thông và do không biết sử dụng tiếng địa phương và tiếng lóng trong những trường hợp đặc biệt, và có thể do những nguyên nhân khác nữa.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu của bất kỳ người Việt Nam nào, dù ở trong nước hay ở xa Tổ quốc. Tuy là một việc rất khó khăn nhưng không phải là không thực hiện được, nếu mỗi người chúng ta biết thận trọng khi sử dụng tiếng Việt và biết sử dụng một trong các biện pháp sau: Chỉ sử dụng từ Hán – Việt khi đã biết rõ nghĩa chính xác của từ đó, và nếu tiếng Việt có sẵn từ tương đương với từ Hán – Việt thì nên dùng từ tiếng Việt. Nếu chưa tường nghĩa của từ Hán – Việt nào đó thì nhất thiết phải học thêm và tốt nhất là tra nghĩa từ đó trong từ điển Hán – Việt. Tuyệt đối không dùng từ nước ngoài để thay cho tiếng Việt khi tiếng Việt có đủ từ để diễn đạt đối tượng này, khái niệm này. Kiên quyết chống cách dùng từ lai căng, hợm hĩnh, bê nguyên xi tiếng Tây vào câu văn Việt. Chỉ vay mượn tiếng nước ngoài khi tiếng Việt không có từ tương đương, nhưng khi dùng phải được Việt hóa, tức là phải phiên âm ra tiếng Việt.
Thiết nghĩ, hiện nay nên có một cuộc vận động rầm rộ trên cả nước và có thực chất, với nhiệt tình và thiện chí đầy đủ để loại trừ những sự sai trái và hạn chế trong cách sử dụng tiếng Việt, để cho tiếng Việt ngày càng trong sáng hơn. Các nhà trường, các bậc trí thức và đặc biệt là giới báo chí có nghĩa vụ và trách nhiệm vô cùng to lớn trong các hoạt động tích cực, để cho công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có hiệu quả tốt đẹp và được duy trì bền vững, khiến cho lời nói, câu văn tiếng Việt có khả năng diễn đạt được rõ ý tưởng trong sáng của người Việt Nam chúng ta.
Nguyễn Xuân Tư (nhà giáo)
Cần diễn đạt ý bằng từ ngữ có nghĩa rõ ràng, đầy đủ và trong sáng; không nói tắt để hiểu theo ý riêng của mình, dẫn đến tình trạng tối nghĩa.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)