Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường mầm non ngoại thành thiếu… đủ thứ

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GDĐT Hà Nội quyết định đầu tư trang thiết bị đồ chơi ngoài trời cho 100 trường mầm non ngoại thành trước thềm năm học mới.

Gấp rút xây thêm phòng học

Từ năm học 2010-2011, cả nước sẽ thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non (MN) cho trẻ 5 tuổi. Đề án tập trung thực hiện 4 dự án: xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định; mua sắm trang thiết bị đồ chơi; đào tạo bồi dưỡng giáo viên (GV) và hỗ trợ trẻ em nghèo; xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia cho các huyện khó khăn.
Cô trò trường mầm non Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Trung Kiên
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thiếu trường, thiếu lớp là một thực tế, là nỗi lo không chỉ ở những nơi xa xôi, nông thôn có khó khăn mà ở cả các thành phố lớn. Hà Nội có tới hơn 800 trường công lập và ngoài công lập nhưng mới chỉ thu hút được 26,8% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 83,5% số trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Nếu đưa đủ số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp thì sẽ không có đủ phòng học cho các lứa tuổi khác. Hà Nội hiện đang gấp rút xóa 3.697 phòng học tạm và xây thêm 809 phòng học kiên cố, đồng thời xây dựng Đề án tuyển dụng và chế độ trợ cấp cho GV.
Cơ sở vật chất nghèo nàn
So với nội thành, các trường mầm non ngoại thành hiện gặp khó khăn cả về cơ sở vật chất và thiết bị học tập cũng như đồ chơi. Cả huyện Thường Tín có 29 trường mầm non với 100 phòng học, thế nhưng chỉ có 10/29 trường học là khang trang, không phải học nhờ nhà văn hóa, hoặc nhà dân, nhiều trường phải chia nhỏ thành các điểm lẻ. Tại huyện Ba Vì, có 35 trường mầm non nhưng chỉ có 10 trường có điểm vui chơi ngoài trời cho các cháu, số trường còn lại đều không có điểm vui chơi. UBND huyện đã đầu tư, xây dựng cơ bản những trường mầm non để chống xuống cấp. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, dụng cụ học tập và thiết bị đồ chơi phục vụ cho giáo dục ở các trường mầm non trong huyện còn rất ít. Một số trường còn học nhiều điểm khác nhau và rất thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy học.
Tổng số 36 lớp với 9 điểm học, Trường Mầm non Dục Tú (huyện Đông Anh) là một trong những trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Hai điểm trường tại hai thôn Thạc Quả và Ngọc Lôi phải học nhờ nhà văn hóa đã nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được nâng cấp, tu sửa.
Theo cô Phạm Thị Chè – Hiệu trưởng Trường Mầm non Dục Tú: “Cả 9 điểm học của trường trước đây đều không có thiết bị đồ chơi ngoài trời. Gần đây mới được LĐLĐ TP.Hà Nội đầu tư cho thiết bị đồ chơi ngoài trời tại một điểm. Chúng tôi cũng như các trường mầm non ngoại thành mong muốn các cấp, các ngành ủng hộ để các cháu có nhiều điểm vui chơi. Hàng năm, UBND huyện, xã có đầu tư, nhưng chủ yếu đầu tư vào đồ dùng học tập chứ cũng không có đủ kinh phí để đầu tư đồ chơi ngoài trời cho các cháu”.
Hàng năm, UBND các huyện đều trích ngân sách nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nhưng rất khiêm tốn. Đặc biệt những điểm học không tập trung, nằm dưới các thôn, xóm không chỉ có thiết bị học tập nghèo nàn mà lớp học còn dột nát, bàn ghế không đúng quy cách.
Đứng trước thực trạng này, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản gửi phòng GDĐT các huyện về việc phân bổ trang thiết bị đồ chơi ngoài trời cho 100 trường mầm non thuộc 19 huyện. Đây là những trường có ít nhất 5 nhóm lớp trở lên, có sân chơi, cổng trường, tường rào bao quanh và không phải là những trường nằm trong danh sách xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2010.
Nguyên Minh / Lao Dong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)