Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trong cái khó ló… đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới phương pháp giảng dạy là một cụm từ đã được ngành giáo dục – đào tạo nói từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh sĩ số học sinh/lớp quá đông, diện tích sân chơi, phòng học quá hẹp…, nhiều trường tiểu học ở TP.HCM đã phải tự thân vận động.
HS Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM trong một buổi học tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Ảnh: H.HG.
Trong một buổi chào cờ đầu tuần ở Trường tiểu học Hanh Thông (Q.Gò Vấp) cuối tháng 9-2009, cô hiệu trưởng thông báo: “Bắt đầu từ tháng 10-2009 nhà trường sẽ tổ chức cho các em học ở công viên như những năm trước”. Ngay lập tức học sinh cả trường vỗ tay reo hò vang dội…
Nếu thường xuyên đi ngang công viên Gia Định (TP.HCM), hẳn bạn sẽ thấy quen thuộc với cảnh các học sinh mang phù hiệu Trường tiểu học Hanh Thông rồng rắn kéo nhau đi tìm hiểu từng gốc cây, ngọn cỏ hay cắm cúi giải bài tập theo nhóm, cười tươi rói trong các trò chơi vận động hoặc say sưa với trò chơi đố em.
Học… trên sông
Anh Tuấn – phụ huynh lớp 4 Trường Hanh Thông – kể vui vẻ: “Thằng cu nhà mình đã học ở công viên ba năm rồi mà năm nay vẫn còn háo hức. Nghe nói ngày mai sẽ ra công viên học thì hôm nay cu cậu thao thức cả đêm, cứ chốc chốc lại dậy nhìn đồng hồ xem trời sáng chưa. Thật sự hồi đầu mình cũng lo lắng, ra công viên mà đạp phải kim tiêm hay nhìn ngắm các đôi nam nữ âu yếm nhau thì phản tác dụng. Được cái công viên bây giờ cũng đã quy củ. Mỗi phụ huynh đóng 15.000 đồng/tháng để trả tiền xe đưa rước, đổi lại con mình rất hạnh phúc và thoải mái với môi trường thoáng đãng, nhiều cây xanh”.
Học ở công viên
Theo cô Vũ Thị Sen – hiệu trưởng Trường tiểu học Hanh Thông: “Việc cho học sinh học tại công viên Gia Định đã được thực hiện từ năm học 2006-2007. Do sân chơi của trường hẹp quá, cây xanh cũng ít, học sinh học hai buổi/ngày bó buộc trong bốn bức tường lớp học, nếu cho các em ra sân sinh hoạt lại gây ồn ào, ảnh hưởng đến lớp khác. Vì thế mỗi tháng các lớp sẽ ra công viên học trọn một buổi (sáng hoặc chiều) với mục đích thay đổi không khí lớp học, cho học sinh tiếp cận môi trường thiên nhiên”.

Một giáo viên Trường Hanh Thông đúc kết: “Những tiết học ở công viên thường rơi vào những tiết ôn tập, phù hợp với trò chơi đố em, thảo luận nhóm… Mỗi lớp học ngoài giáo viên chủ nhiệm còn có một nhân viên đi theo để hướng dẫn học sinh chơi trò chơi vận động và phụ giúp giáo viên trong việc quản các em. Ra công viên em nào cũng thích, chỉ có giáo viên vất vả hơn nhiều”.

“Tăng cường giáo dục học sinh bằng phương pháp trực quan sinh động nhưng cơ sở vật chất của nhà trường không đáp ứng được đành phải tìm cách khác. Trường mình có một thuận lợi là ở sát Thảo cầm viên. Sáu năm nay, cứ đến giờ học về tự nhiên – xã hội, thầy trò Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm kéo nhau sang bên đó. Không khí thoáng mát cộng với việc có sẵn cây cối, hoa, lá, các con vật – sau khi nghe thầy cô giảng lý thuyết, học sinh được xem thực tế ngay” – Th.S Lê Thị Ngọc Điệp – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) – tâm sự.
Không những thế, đã ba năm trở lại đây, học sinh khối lớp 5 của trường này còn được chu du trên sông Sài Gòn (để phục vụ bài tập làm văn miêu tả cảnh sông nước) hay tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (để học bài lịch sử “Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước”). Chẳng thế mà các giáo viên khối 5 cùng có chung nhận xét: “Đi thực tế về các em viết bài thu hoạch có hồn lắm, đầy cảm xúc”.
Cũ người mới ta
Đầu năm học 2009-2010, vào thăm Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3), khách tham quan không khỏi bất ngờ khi thấy tất cả lớp học được sắp xếp theo kiểu mới: bàn ghế kê chụm lại theo từng nhóm 4-8 học sinh, giáo viên rất ít đứng trên bục giảng mà đi lại như con thoi đến từng bàn, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc… HS.
Cô Vũ Thị Mỹ Hạnh – hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, giải thích: “Việc xếp bàn ghế chụm lại là một phương pháp đòi hỏi thầy cô giáo dạy theo hướng cá thể hóa từng học sinh và từng nhóm đối tượng. Nếu xếp bàn theo kiểu cũ, thầy giáo có thể lười biếng ngồi hoặc đứng một chỗ trên bục giảng để thuyết giáo thì nay buộc họ phải di chuyển đến từng em HS…”.
Tại Trường tiểu học Lương Định Của, sĩ số học sinh có lớp lên đến 50 em trong khi diện tích lớp học quá chật chội, nhưng cô hiệu trưởng khẳng định: “Đông không có nghĩa không tổ chức học nhóm được. Nếu vin vào điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn thì chỉ hô hào suông, không thể thực hiện đổi mới”.
Ngay từ khi mới thực hiện phương án trên, ban giám hiệu nhà trường đã gặp phải không ít thắc mắc, băn khoăn và cả phản ứng của phụ huynh. Thế nhưng, nói như thầy giáo Nguyễn Đạt Sử – phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Lương Định Của: “Xếp bàn ghế theo nhóm, tức sẽ chia HS ra thành từng nhóm đối tượng có học lực giỏi, khá, trung bình, yếu để GV giao bài cho phù hợp. Dạy theo phương pháp mới, GV sẽ hạn chế tối đa việc chép bài lên bảng mà tổ chức các hoạt động học tập, cho HS tự tìm hiểu, thảo luận vấn đề, tự nhận xét lẫn nhau. Sau đó GV sẽ chốt lại vấn đề”.
Không phải ngẫu nhiên khi hầu hết những học sinh Trường Lương Định Của đều tỏ ra hồ hởi: “Ngồi theo nhóm thích hơn vì được thoải mái trao đổi với bạn bè”.
HOÀNG HƯƠNG (TTO)

Bình luận (0)