Tòa soạnThư đi – tin lại

Vì sao trẻ tự hành xác?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân đọc bài “Bệnh tự hành xác, người lớn chớ coi thường” trên Báo Giáo Dục TP.HCM tôi có vài lời gửi đến báo xem như để cảnh báo thêm cho các bậc phụ huynh. Hiện tôi đang sống trong một khu phố “sạch” tệ nạn nhưng bọn trẻ trong khu phố lại có biểu hiện của bệnh tự hành xác. Cháu trai của tôi cũng có biểu hiện này, ban đầu gia đình chỉ phát hiện vài vết sẹo trên cổ tay do đốt thuốc lá, sau đó là nhiều vết cắt chồng chéo nhau. Theo tìm hiểu, bệnh tự hành xác cũng giống như những thanh niên nghiện ma túy, người mắc bệnh tự hành xác bằng mọi cách để có bạn bè, càng đông càng tốt. Trẻ mắc bệnh tự hành xác rất ít nói, thậm chí khi cha mẹ tỏ ra quá quan tâm lại khiến chúng bực dọc, cáu gắt vô cớ.
Những vết sẹo, vết cắt trên cơ thể của người mắc bệnh tự hành xác thường có một “nội dung” rõ ràng và nếu tìm hiểu kỹ nguyên nhân, “nội dung” ấy thể hiện rất rõ những va chạm với bên ngoài xã hội, quan hệ gia đình, bạn bè và thầy cô giáo. Từ những chuyện nhỏ nhặt nhất như cha mẹ nói nặng lời với trẻ, bạn bè chê bai đôi giày mình đang mang quá xấu hay thầy cô giáo thường xuyên gọi lên trả bài mà không thuộc…
Những đứa trẻ trong khu phố của tôi rất thân thiết với nhau, đặc biệt là trẻ có bệnh tự hành xác. Không phải bất kỳ lúc nào chúng cũng gặp nhau mà chỉ gặp ở những nơi không có người lớn. Khi người lớn xuất hiện, trẻ rất bình tĩnh, không hề có biểu hiện rụt rè, sợ sệt nên rất khó phát hiện. Và sự khác thường trong cách ăn mặc của các em mà phụ huynh cũng cần quan tâm. Hầu hết trẻ có bệnh tự hành xác thường mặc áo dài tay hòng che giấu những vết cắt, vết sẹo và trong cặp táp, ngăn kéo… lúc nào cũng có dao lam.
Các bậc phụ huynh nên cẩn trọng với trẻ khi trẻ có phòng ngủ và học tập riêng, đó là nơi an toàn nhất để trẻ “trút bỏ” những bức xúc, áp lực về tâm lý bằng dao, kéo lên thân thể của mình bất cứ lúc nào.
Trẻ tự hành xác mình không chỉ xuất hiện khi ai đó gây ra sự khó chịu, bực tức cho chính mình mà còn hành xác để “chia sẻ” với một ai đó như bạn bị nhóm bạn xấu đánh oan chẳng hạn. Các chuyên gia tâm lý đã kết luận tự hành xác không phải là vấn đề bệnh lý mà vì một ức chế tâm lý nào đó đã gây nên.
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi và gia đình, để giải quyết tận gốc căn bệnh tự hành xác không dễ. Biện pháp hữu hiệu mà gia đình tôi áp dụng là thường xuyên gần gũi, nhẹ nhàng với trẻ khi chúng có biểu hiện khác thường. Sau đó tìm hiểu nguyên nhân và giải thích cặn kẽ những tác hại của bệnh tự hành xác cho trẻ nghe đồng thời thông báo ngay với nhà trường để có biện pháp phối hợp nhằm ngăn chặn kịp thời.
Nguyễn Bá Tổng (quận 7)

Bình luận (0)