GV Trường TH Linh Đông trình bày kết quả thảo luận nhóm của kĩ thuật dạy học hợp tác
|
Những năm gần đây, phương pháp thảo luận nhóm đã không còn xa lạ với giáo viên (GV) và học sinh (HS). Chỉ cần GV yêu cầu nhóm 6 là các em tự biết nhóm mình gồm những bạn nào, ai là nhóm trưởng, ai là thư kí. Và các em thảo luận rôm rả.
Tuy nhiên, mặt hạn chế của thảo luận nhóm là chỉ cần nhóm trưởng đọc cho thư kí ghi sao cho nhanh nhất là được, còn các em khác trong nhóm thì ngồi cho có… tụ. Ở đây chúng tôi không phê phán việc sử dụng phương pháp thảo luận nhóm mà muốn nhắn nhủ với các GV là đừng thực hiện cho có hình thức mà tùy nội dung kiến thức, trình độ HS mà sử dụng phương pháp dạy cho hợp lí.
Kĩ thuật “Khăn phủ bàn” là kĩ thuật tổ chức hoạt động mang tính hợp tác kết hợp giữa hoạt động cá nhân và nhóm. Hình thức thực hiện: Các thành viên của nhóm ngồi xung quanh bàn và ghi ý kiến cá nhân của mình vào giấy Ao chia sẻ và ghi ý kiến thống nhất vào ô giữa của tờ giấy Ao trình bày trước lớp. Rõ ràng khi sử dụng kĩ thuật Khăn phủ bàn, mọi thành viên trong nhóm đều phải ghi suy nghĩ và ghi ý kiến của mình (không thành viên nào ngồi cho có tụ). Để ghi được ý kiến chung, cả nhóm phải thảo luận đi đến thống nhất ý kiến. Còn kĩ thuật “Các mảnh ghép” là kĩ thuật tổ chức hoạt động học tập hợp tác kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm giải quyết một nhiệm vụ phức hợp, kích thích sự tham gia tích cực của HS, nâng cao vai trò cá nhân trong quá trình hợp tác.
Chúng tôi đã tổ chức chuyên đề về hai kĩ thuật dạy học trên cho GV trong trường rút kinh nghiệm. Chúng tôi xin giới thiệu và chia sẻ những nội dung đã thực hiện:
– GV thứ nhất cho một đề toán: Trong vườn có 12 cây chuối, bố trồng thêm 3 cây chuối. Hỏi trong vườn có tất cả bao nhiêu cây chuối? Sau khi làm các bước tìm hiểu đề bằng hệ thống các câu hỏi gợi ý: Bài toán cho biết gì? (Trong vườn có tất cả bao nhiêu cây chuối?), bài toán cho biết gì? (Trong vườn có 12 cây chuối), bố trồng thêm mấy cây chuối nữa? (bố trồng thêm 3 cây chuối nữa). Bước tiếp theo từng em ghi vào giấy Ao bài giải của mình, sau đó thống nhất bài giải đúng và ghi vào giữa tờ giấy Ao.
Chúng tôi nhận thấy cách tiến hành các bước thực hiện kĩ thuật “Khăn phủ bàn” thì đúng nhưng về nội dung kiến thức thì có thể chọn nội dung nào sao cho ý kiến cá nhân khác nhau (dù rất ít) để tạo sự tranh cãi, thảo luận đi đến thống nhất. Còn đối với bài giải toán khi HS đã hiểu bài thì các em đều có bài giải giống nhau. Thư kí lại ghi một lần nữa bài giải vào giữa giấy Ao rất mất thời gian mà không hiệu quả.
– GV thứ hai chọn một bài toán có hai cách giải. GV cũng thực hiện theo hướng tìm hiểu đề xong rồi cho HS ghi vào giấy Ao bài giải của mình. Sau đó nhóm thống nhất và chọn cách giải hay. Chúng tôi thấy đây không phải là dạng toán tính giá trị biểu thức bằng hai cách rồi chọn cách thuận tiện nhất. Trong bài toán trên dù HS có thực hiện cách nào cũng là bài giải được chấp nhận.
– GV thứ ba:Vòng 1 chia HS thành ba nhóm, mỗi nhóm thực hiện một nhiệm vụ: Nhóm 1, tìm các nước có ngành khai thác dầu, sản xuất ô tô; nhóm 2, tìm các nước có ngành sản xuất lúa gạo; nhóm 3, tìm các nước có ngành sản xuất bông, chăn nuôi trâu, bò. Các thành viên trong nhóm thảo luận với nhiệm vụ được giao. Vòng 2 từng thành viên nhóm cũ di chuyển và hình thành nhóm mới (nhóm 3), thông tin của vòng 1 được các thành viên nhóm mới chia sẻ đầy đủ với nhau. Sau khi chia sẻ thông tin vòng 1, nhiệm vụ mới sẽ được giao cho nhóm vừa thành lập để giải quyết. Các nhóm mới trình bày, chia sẻ kết quả nhiệm vụ của vòng 2. Chúng tôi thấy vòng 1 nên chia thành nhóm 3, vì nếu chia thành 3 nhóm có thể lặp lại cái hạn chế ban đầu tôi đã nêu: chỉ có 1 hoặc 2 em nói thì các em khác lại có mặt cho có tụ và thống nhất ý kiến. Rồi sau khi họp nhóm mới, liệu những em làm thinh ấy có trình bày lại được ý kiến thống nhất trong nhóm mới?
Trần Mỹ Lệ
(Hiệu trưởng Trường TH Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM)
Bình luận (0)