Báo Giáo Dục TP.HCM ngày 21-2-2011 có đăng bài “Hiểu đầy đủ bản chất của phương pháp dạy học tích cực” của nhà giáo Vũ Duy Yên (Trường CĐ Sư phạm Thái Bình). Bài báo này là một trong những bài viết hiếm về phương pháp dạy học. Tác giả đưa ra những nhận xét về hai cách nhìn nhận cái gọi là “phương pháp tích cực lấy người học làm trung tâm” mà nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kỳ đã nêu trong một cuốn sách nói về vấn đề này. Theo tác giả “cả hai cách nói đều chung chung, mơ hồ, người dạy không rõ con đường (lộ trình) để đạt được mục tiêu, yêu cầu đó như thế nào… Trong khi đó sáng tạo lại là yêu cầu quán triệt, cốt lõi của phương pháp dạy học tích cực”. Theo thiển nghĩ, thật ra cả hai cách mà tác giả nêu ra thì tự bản thân nó đã không cụ thể. Thế nào là lấy người học làm trung tâm? Và thế nào là phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh? Chúng ta đã bàn cãi nhiều lần và sẽ còn bàn cãi về các khái niệm trung tâm – tích cực của phương pháp dạy học. Bởi lẽ người ta đã buộc phải thừa nhận là không có và không thể có một phương pháp dạy, cũng như một phương pháp học hoàn hảo có thể dùng làm mẫu cho hoạt động dạy và học động học. Cũng vì thế mà không thể nói cụ thể hơn thế được, càng nói càng thấy chông chênh.
Ai đã từng làm nghề dạy học đều thấy rằng cách dạy học là của một người thầy (hay cô) bởi nó phản ánh trình độ, quan niệm, thói quen của mỗi người riêng biệt. Một câu nói rập khuôn được chấp nhận trong giáo dục là: Mục tiêu số một của các thầy cô giáo là giúp học sinh cách học như thế nào. Thế nhưng lại thấy một mục tiêu tốt hơn là: Giúp học sinh học cách tự đánh giá bản thân như thế nào(1).
Mặt khác, có thể thấy trong vấn đề dạy học này rất nhiều điều cần làm rõ hơn nữa. Thế nào là lấy học sinh làm trung tâm? (thật ra là lấy việc học làm trọng hơn việc dạy), thế nào là tích cực? Học sinh thì làm sao mà sáng tạo? (Bởi có thể hiểu chữ sáng tạo theo nhiều cách). Ta thường chỉ suy luận một cách dễ dàng, ví như không được học vẹt, trong lúc học vẹt lại cần thiết để học ngoại ngữ và để tạo vốn chữ Hán cho mình. Thật ra tác giả vẫn chưa nêu được cái gì gọi là bản chất của phương pháp dạy học tích cực. Bởi có thể hỏi: Có tồn tại hay không cái gọi là bản chất?
Một đôi điều trao đổi, mong được bàn luận thêm.
Nhà giáo Nguyễn Trọng Di
(1): Mượn ý của nhà giáo Randy Pausch (Mỹ) trong cuốn sách Bài giảng cuối cùng (The last lecture). Nhà xuất bản Trẻ 2009.
Bình luận (0)