Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Có hay không việc xà xẻo bữa ăn học sinh?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vừa qua, Toà soạn nhận được nhiều đơn thư của cán bộ quản lý, giáo viên, cấp dưỡng và cả phụ huynh, học sinh phản ánh sự mập mờ trong thu chi tài chính và quản lý bếp ăn tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề, PV Báo SGGP đã trực tiếp xuống trường và tiếp xúc tìm hiểu sự việc đang được dư luận quan tâm.
Tài chính mập mờ
Trong các nội dung tố cáo, cô Lưu Ngọc Đan Phương, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai, nêu rõ, cô là người được phân công phụ trách các hoạt động của tổ bếp ăn tập thể từ tháng 1 đến tháng 3-2009. Trong thời gian làm việc ở vị trí này, cô Phương đã nhiều lần thấy được sự bất hợp lý trong việc tổ chức và thu chi tài chính tại bếp ăn khi mọi chuyện từ thu, chi, đi chợ, kê khai giá cả đều phó mặc cho bếp trưởng Phan Xuân Nghiều. Và từ sự “tự chịu trách nhiệm” quá thông thoáng này, “đầu ra” của bếp ăn trở nên teo tóp trông thấy: cơm không đủ ăn, cá thịt, rau củ… đã ít lại còn bị ôi thiu khiến nhiều cấp dưỡng và học sinh liên tục có ý kiến phản ánh từ thời vị hiệu trưởng cũ (đã bị kỷ luật năm 2008).
Bữa ăn trưa của học sinh nội trú. Ảnh: L.LINH
Đến tháng 11-2008, khi ông Nguyễn Phi Phúc về làm hiệu trưởng mới, mọi chuyện vẫn không thay đổi: ông Nghiều vẫn trực tiếp đứng ra nhận toàn bộ học bổng hàng tháng của học sinh rồi tự đi chợ, nhập hàng, làm thủ kho đến báo giá… Cô Phương đã nhiều lần đề nghị và nêu ý kiến cải tiến quy trình quản lý bếp ăn cho đúng quy định tài chính như những trường khác theo hình thức: Thành lập ban quản trị nhà ăn, hợp đồng với các công ty thực phẩm có cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thủ kho… thế nhưng những đề xuất của cô Phương đều bị hiệu trưởng gây khó khăn và thường xuyên nói trước các cuộc họp hội đồng trường là không được can thiệp sâu vào chuyệïn nội bộ bếp ăn, chỉ được đứng ngoài giám sát.
Thực tế, giá cả và số lượng các mặït hàng trong công khai tài chính của bếp trưởng Phan Xuân Nghiều có sự “vênh” thấy rõ so với giá thực tế, ví dụ như: giá trứng gà 7.000-10.000 đồng/chục nhưng công khai sổ sách lên tới 12.000 đồng, trứng vịt từ 10.000-15.000 đồng/chục, bị đội lên 15.000-18.000 đồng/chục… và tất cả đều có giấy xác nhận của người bán, thậm chí còn có giấy xác nhận của bà Ng.Th.Ng. về việc ông bếp trưởng đòi tăng khống giá gạo lên 200.000 đồng/tấn.
Một số cấp dưỡng còn cho biết củi đốt hàng ngày giá thực chỉ từ 130.000-140.000 đồng/m nhưng luôn bị kê khống lên 170.000 đồng/m… Điều đáng nói là mọi ý kiến phản ánh và đề xuất để thanh tra nhân dân của trường tham gia điều tra xác minh về giá cả, cách thu chi của bếp ăn đều bị hiệu trưởng lờ đi?!
Có hiện tượng trù dập người tố cáo
Buổi sáng, xuống bếp ăn tập thể, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh đống rau muống héo phục vụ bữa ăn chiều nằm lăn lóc dưới nền đất. Sự ủ rũ, héo hon này dường như phản chiếu trên khuôn mặt các cấp dưỡng khi hầu hết họ đều tỏ thái độ bất mãn và chán chường với cung cách quản lý bếp ăn.
Khi nghe có phóng viên đến, tuy e ngại vì sợ bị trù dập tiếp, nhưng một cấp dưỡng cũng mạnh dạn nói: “Chuyện đồ ăn bị ôi thiu, ươn đưa về nấu cho học sinh ăn thường xuyên xảy ra. Có bữa chính tôi đứng bếp nấu nhưng tôi cũng không dám ăn. Hiện nay, vẫn còn tình trạng thức ăn kém chất lượng đưa về trường. Có bữa học sinh chỉ được ăn 70% đồ ăn, còn lại chúng tôi phải bỏ ra vì thức ăn không đảm bảo chất lượng… Có con cá không còn mang, không có máu, ruột, nhìn đã thấy sợ chứ đừng nói đến ăn”. Những cấp dưỡng này vì quá thương học sinh đã mạnh bạo đứng ra phản ánh song kết cục của sự “nói thẳng, nói thật” trên chỉ là… được đưa vào danh sách giảm biên chế, hạ bậc thi đua…
Còn Phó hiệu trưởng Lưu Ngọc Đan Phương dù đã có nhiều văn bản, ý kiến đề xuất cách quản lý có tổ chức cho bếp ăn của nhà trường, nhưng đang bị xếp trong diện có nguy cơ bị kỷ luật Đảng (vì lý do không hoàn thành nhiệm vụ, phản ánh lung tung).
Thanh tra Sở GD-ĐT Đồng Nai đã làm việc với trường, tuy nhiên những kết luận của sở đưa ra đều không thuyết phục và mâu thuẫn: Người tố cáo bị quy trách nhiệm không đấu tranh, không hoàn thành nhiệm vụ, phải bị kiểm điểm về mặt Đảng, còn những cá nhân quản lý lỏng lẻo, kê khống tiền ăn của học sinh lại không có liên đới trách nhiệm và vô can?! Gần đây nhất, tại cuộc họp ban chấp hành công đoàn góp ý cho chi bộ trường, có nhiều ý kiến đề nghị chi bộ cần quan tâm chỉ đạo thay đổi quy trình quản lý bếp ăn tập thể (trích biên bản họp BCH công đoàn góp ý chi bộ năm 2009).
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai đang nuôi dạy khoảng 400 học sinh con em dân tộc. Thế nhưng nhiều năm liền ở trường này, hiệu trưởng chỉ giao cho một bếp trưởng chịu trách nhiệm lãnh gần 200 triệu đồng/tháng tiền đi chợ, quản lý bếp ăn, thu, chi, kê khai giá cả… để chi tiêu.
Chỉ đến đầu năm học 2009-2010, quản lý bếp ăn tập thể mới tổ chức thực hiện như kế hoạch cô Phương đề nghị: có hợp đồng, kế toán thanh toán, đấu thầu… Tuy nhiên, theo ý kiến của một số cấp dưỡng và cô Phương, đó vẫn chỉ là hình thức vì hiện nay mọi việc tìm nguồn hàng, ra giá… vẫn do vị bếp trưởng và vợ ông ta quản. Hiện nay, nhiều giáo viên cấp dưỡng đang hết sức lo lắng do bị hiệu trưởng dọa dẫm vì dám lên tiếng đấu tranh.
Trao đổi với chúng tôi, cô Phương và một số cấp dưỡng cùng một số phụ huynh có con em đã và đang học tại trường rất mong Thanh tra tỉnh Đồng Nai và các ban ngành cùng vào cuộc để giải quyết những sai phạm, xung đột nội bộ… trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục.
– …Hôm nọ em có phải đưa tiền chênh lệch cho ông Nghiều không?
– Có, em đưa lại bảy trăm mấy chục ngàn đồng…
– Em đã ký được hợp đồng trực tiếp với trường thì em đưa làm chi nữa? Trước đây giá cá chỉ 12.000-13.000 đồng/kg nhưng sao ông Nghiều vẫn kê là gần 20.000 đồng, em có dám nói hay không?
– Em không dám nói đâu cô ơi vì cá là do bả (vợ ông Nghiều) ra dặn không à, chứ không phải trường dặn. Nếu em không đưa tiền chênh lệch thì ông ấy bảo: “Tụi bay mà làm ăn kiểu đó thì đừng hòng tao lấy cá của tụi bây nữa”. Ông ấy không chỉ ăn trong tiền cá mà cả tiền trứng, tiền rau… nữa chị ơi…
(Trích đoạn trao đổi giữa một cán bộ trường và cô Ng., bán cá ở chợ Đông Hòa gần trường, mà chúng tôi ghi nhận ngày 30-12 -2009)
 LÊ LINH / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)