Cũng nằm trong hệ thống trường công lập nhưng khi tuyển sinh các lớp đầu cấp, một số trường tại Hà Nội không tuyển được đủ số học sinh đúng tuyến trên địa bàn.
Không được tiếng là trường điểm, việc tuyển sinh đầu cấp của trường Trung Phụng gặp rất nhiều khó khăn – Ảnh: Ngọc Thắng |
Trường Tiểu học Trung Phụng nằm trên phố Chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa) từ nhiều năm nay chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu vào lớp 1, dù cơ sở vật chất không thua kém các trường công lập khác trên địa bàn. Ông Hà Anh Toàn – Hiệu trưởng trường này cho biết: đã có rất nhiều cuộc họp, bàn giải pháp khắc phục tình trạng này nhưng chưa có giải pháp nào hữu hiệu.
Năm nào cũng vậy, trước thời gian tuyển sinh theo quy định của Sở GD-ĐT là trường lại nhờ đài phát thanh của phường thông báo kế hoạch tuyển sinh, tuyên truyền, vận động các gia đình trên địa bàn hãy cho con vào học trường đúng nơi cư trú… Thế nhưng kết quả vẫn không khả quan. Năm học 2008-2009, theo kết quả điều tra có 132 cháu trên địa bàn phường đến tuổi vào lớp 1; nhưng chờ đến tận ngày khai giảng năm học mới cũng chỉ có 51 cháu nhập trường.
Điều đáng nói là trong số 51 cháu này cũng chỉ có hơn 30 cháu nằm trong danh sách điều tra, tức là có hộ khẩu thường trú tại phường. Gần 20 cháu còn lại là con em những gia đình lao động ngoại tỉnh thuê nhà ở gần đó và xin cho con học trái tuyến. Trong khi những trường như Tiểu học Kim Liên, Nam Thành Công, Bế Văn Đàn… trên địa bàn quận Đống Đa sĩ số lên tới 50 hoặc hơn 50 HS/lớp thì trường Tiểu học Trung Phụng chỉ có khoảng 20 HS/lớp.
Sĩ số ít như vậy nhưng vẫn thừa ra tới 6/16 phòng học. Chị P.Q.H, nhà ở ngõ 218 phố Chợ Khâm Thiên (ngay cạnh trường) nhưng lại cho con đi học ở một trường tiểu học ở phường khác. Lý giải về việc cho con đi học trái tuyến, chị này cho hay: "Tôi thì thấy trường đó cũng rộng rãi, thoáng đãng nhưng vì chẳng có mấy phụ huynh trong ngõ cho con vào đó học nên cũng không yên tâm nếu gửi con mình học ở đó".
Theo ông Toàn thì đợt kiểm tra chất lượng vừa qua của phòng GD-ĐT, cả 9 chỉ tiêu của trường đều được đánh giá là tốt, đội ngũ giáo viên có tới 70% đạt trình độ trên chuẩn. Năm vừa rồi, một giáo viên của trường cũng đoạt giải Nhất trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp quận. Ông Toàn cho rằng: "Một số cha mẹ không gửi con vào học tại trường có lý do chính đáng nhưng đa phần đều theo thị hiếu. Họ không chỉ ra được những lo ngại của mình về chất lượng dạy học của trường nhưng họ vẫn không muốn con mình vào học chỉ vì trường chúng tôi thiếu cái “mác” trường điểm”.
Hiện tượng tuyển sinh chật vật mà không đủ chỉ tiêu còn xảy ra ở 2 trường tiểu học và THCS Bồ Đề (quận Long Biên). Ông Bình – Hiệu trưởng trường THCS Bồ Đề cho biết: năm học 2008-2009, dù đã rất cố gắng nhưng trường cũng chỉ thu hút được khoảng 60% HS trong độ tuổi trên địa bàn vào học lớp 6.
Ông Đặng Việt Hà – Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên chia sẻ: "Thực tế cho thấy, nhiều khi đầu tư cơ sở vật chất tốt nhưng cũng không “lại” được với tâm lý “sính” trường điểm của phụ huynh. Vừa qua, chúng tôi phải làm rất quyết liệt để mong cải thiện tình hình tuyển sinh cho các trường này như: luân chuyển hiệu trưởng, thay một loạt đội ngũ giáo viên tốt hơn…".
Còn ông Đỗ Vũ – Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình thì cho hay: ngay tại trung tâm thành phố thì vẫn còn một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu, ví dụ như trường THCS Mạc Đĩnh Chi. Trong khi đó, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì trong cùng một quận, cơ sở vật chất và đội ngũ của các trường được đầu tư, bồi dưỡng như nhau, chất lượng thì cũng “một 8, một 10” chứ không chênh lệch như trước kia. Thế nhưng phụ huynh thì vẫn cứ nghĩ phải cho con vào những trường “tên tuổi” mới yên tâm.
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)