Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải thăm hỏi học viên Trung tâm Dạy nghề người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Ảnh: Trọng Tri |
Nhằm chăm lo tốt hơn cho những cảnh đời kém may mắn được học nghề để mưu sinh, hội nhập cộng đồng, sống có ích cho mình và cho xã hội, TP.HCM đã làm tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, để tất cả mọi người khuyết tật, trẻ mồ côi có một nghề ổn định tự nuôi sống bản thân là điều chưa thể.
Hoạt động tự lực, tự quản
Trên tinh thần tạo mọi điều kiện có thể để người khuyết tật và trẻ mồ côi sớm được học nghề, Thành ủy TP.HCM đã quyết định cấp 10 tỷ đồng cùng với các đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước xây dựng Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Trung tâm này đã đi vào hoạt động từ hơn ba năm nay (ngày 16-6-2006) trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhiều người nhưng vẫn còn không ít nỗi lo. Ông Nguyễn Công Ái, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM bày tỏ: “Trung tâm dạy nghề hoàn toàn miễn phí cho các cháu khuyết tật và mồ côi. Nguồn kinh phí cần phải có để nuôi và dạy các cháu sắp tới khoảng 150 triệu đồng/ tháng (gần 2 tỷ đồng/ năm). Đây là một số tiền không nhỏ mà Hội thì hoạt động theo phương thức tự lực, tự quản. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi hy vọng vòng tay nhân ái của mọi người luôn rộng mở để cùng chung sức chăm lo và chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh”.
Việc giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, được học nghề, tạo việc làm là một trong những biện pháp góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc và Công ước quốc tế về người khuyết tật. Ông Ái cho rằng: “Dạy nghề là trao cho các em “chiếc cần câu”, có kỹ năng lao động để bước vào đời một cách tự tin và chủ động. Thực tế cho thấy dù là người khuyết tật nhưng nếu được huấn luyện những kỹ năng cần thiết thì họ có khả năng đảm đương nhiều công việc như những người bình thường khác. Thông qua hoạt động dạy nghề, chúng tôi mong được góp phần hạn chế sự thiệt thòi mà người khuyết tật và trẻ mồ côi phải gánh chịu. Đây cũng là việc làm thiết thực thực hiện pháp lệnh về người tàn tật của Quốc hội”.
Nhiều người khuyết tật chưa được đào tạo nghề
Hiện nay, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đã có bước tiến bộ, nhận thức của xã hội về đối tượng này cũng có nhiều thay đổi, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, họ vẫn chưa thể tìm được việc làm. Nguyên nhân cơ bản là họ chưa được đào tạo nghề. Điều đó càng chứng tỏ công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là hết sức cần thiết, cấp bách.
Pháp lệnh về người tàn tật đã được ban hành và sắp tới Quốc hội sẽ tiếp tục ban hành luật về người tàn tật, điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với người tàn tật. Tuy nhiên để pháp lệnh về người tàn tật trở thành những việc làm cụ thể, thiết thực thì không đơn giản. Trong khi đó, đất nước ta còn khó khăn, việc có nguồn kinh phí để xây dựng các trung tâm dạy nghề cho người tàn tật ở các địa phương là điều không dễ.
Ngành LĐ-TB-XH và ngành GD-ĐT cả nước cần phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để các trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật hoạt động hiệu quả. Quan trọng hơn hết là huấn luyện và đào tạo cán bộ giáo viên, hướng dẫn chương trình giảng dạy cho phù hợp với đối tượng học nghề nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu xã hội. Và để công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật hoạt động hiệu quả, cần có sự đóng góp, hỗ trợ nhiều hơn nữa về vật chất cũng như tinh thần giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi được học tập, rèn luyện tay nghề, có việc làm ổn định.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, cả nước hiện có khoảng 5 triệu người tàn tật và chỉ có 16.000 người trong số này đang làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp nhưng chủ yếu là thương, bệnh binh. Đáng quan tâm là có 87% người tàn tật đang sống tại khu vực nông thôn với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn và khó có thể tự chủ được cuộc sống của mình. |
Tuy An
Bình luận (0)