Tòa soạnThư đi – tin lại

Phạm pháp do thiếu kỹ năng sống

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm trước, UNICEF đã phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện dự án đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống là một bộ môn trong chương trình giáo dục công dân. Tuy nhiên, đến nay giáo dục kỹ năng sống trong chương trình giáo dục nước nhà vẫn còn đang xem nhẹ.

Vừa học, vừa chơi là cách trang bị kỹ năng sống cho các em
Xét ở góc độ xã hội học, kỹ năng sống góp phần rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Nếu các bạn trẻ được trang bị kỹ năng sống có lẽ trong thời gian qua sẽ không xảy ra những chuyện đáng buồn và đau lòng.
Trần Thanh Xuân, nguyên sinh viên Trường ĐH Nông Lâm trả thù thầy giáo bằng cách tạt axít vào người thầy đang trong giờ lên lớp đã xảy ra khá lâu nhưng trong dư luận vẫn luôn tồn tại câu hỏi: cựu sinh viên Trần Thanh Xuân đã học được gì sau bao năm đèn sách? Còn với các nhà xã hội học, cựu sinh viên này hoàn toàn không có kỹ năng sống, chưa đủ tỉnh táo để biết chấp nhận và vượt qua bằng cách học hành siêng năng?
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Kim Mai từng thốt lên rằng: “Xã hội hiện đại bao nhiêu thì mặt trái lại nhiều bấy nhiêu. Song, những người trẻ sống trong xã hội hiện đại ấy phải tự đương đầu với nhiều vấn đề tâm lý xã hội phức tạp trong cuộc sống. Thiếu kỹ năng sống lại là điều khiến các bạn trẻ đi vào ngõ cụt: phạm pháp chẳng hạn”. Bà Mai cũng cho biết, chương trình giáo dục của ta còn nặng nề, chỉ chú trọng vào việc giảng dạy kiến thức mà bỏ quên việc giáo dục kỹ năng sống.
Cái chết của em Lê Văn Hòa (khóm 7, Kỳ Thịnh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mới đây làm đau lòng người lớn cho thấy kỹ năng sống quan trọng như thế nào? Sự việc xảy ra khi thấy người em họ cùng chơi đùa với mình bị té gãy tay, sợ người lớn trách mắng nên đã thắt cổ tự tử. Thiếu kỹ năng sống, em Hòa không thể bình tĩnh hơn nữa để báo với mọi người rằng tai nạn đã xảy ra với em của mình. Hòa cho rằng người em bị gãy tay là “tội” của mình. Câu chuyện trên cho chúng ta thấy, chỉ cần một sự cố nhỏ thì một số người đã hoảng hốt, lo lắng tự chấm hết cuộc đời của mình. Các bạn trẻ “tự bơi” trong cuộc sống đầy rẫy sự phức tạp mà không được sự chia sẻ.
Nhà xã hội học Emile Durkheim (1858-1917), một trong các bậc tiền bối sáng lập ra ngành xã hội học cũng là cha đẻ của xã hội học Pháp từng nói: “Biết chấp nhận và ứng phó với những gì đã và đang xảy ra với mình là biểu hiện của kỹ năng. Còn phải ứng phó thế nào, giải quyết theo hướng tích cực (hay tiêu cực) đó là biểu hiện rõ ràng nhất của kỹ năng sống”.
Vụ cựu Hiệu trưởng Trường THPT Việt Vinh Sầm Đức Xương (Hà Giang) bị bắt vào ngày 7-9 vừa qua vì tham gia đường dây mua bán trinh học sinh gây bàng hoàng trong dư luận. Điều đáng nói, tham gia đường dây này là hai nữ sinh vừa tốt nghiệp THPT Nguyễn Thanh Thúy và Nguyễn Thúy Hằng (cũng từng là nạn nhân). Qua vụ này có thể khẳng định do thiếu kỹ năng sống, không biết nói không với những việc làm, đồng tiền dơ bẩn, bất chính… Mặt khác, từng là nạn nhân như Thúy và Hằng nhưng cả hai không tố cáo việc làm tày trời của những kẻ mất nhân tính mà lại tiếp tay để nhiều nữ sinh khác vào vòng tội ác để rồi phải chịu tội môi giới mại dâm.
Lâu nay, chương trình giáo dục của ta còn “khuyết” giáo dục kỹ năng sống nên đã xảy ra những câu chuyện đau lòng. Dù muộn còn hơn không, Bộ GD-ĐT cần gấp rút đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học.
Trần Tuy An
Cần dạy kỹ năng sống cho các em
Tôi là một giáo viên văn ở ngoại thành TP.HCM. Chính tôi cũng thấy ngán ngẩm khi nhìn vào thời khóa biểu dày đặc của các em. Học ở trường thôi đã thấy bở hơi tai, đằng này còn phải học thêm, học nâng cao… mà giờ học ngoại khóa thì thưa thớt, thậm chí chỉ mang tính hình thức. Chính vì thời khóa biểu như vậy nên giáo viên cũng phải “chạy” theo, có muốn giáo dục kỹ năng sống bằng các tình huống thực tế cuộc sống cũng không thể vì sợ bị “cháy” giáo án. Theo tôi, ở tiết sinh hoạt lớp vào cuối tuần, các trường cần tạo điều kiện để giáo viên chủ nhiệm dạy chương trình không có trong giáo án là giáo dục kỹ năng sống cho các em. Dù chỉ có 45 phút/tiết nhưng biết cách sử dụng quỹ thời gian, giáo viên có thể chuyển tải những tình huống hay để các em thảo luận hơn là chỉ ngồi liệt kê, phê bình học sinh vi phạm và hoạt động thi đua của lớp trong tuần đó.
Nguyễn Bá Tổng (Q.7)

Bình luận (0)