Trẻ em bỏ học bán vé số trên đường Lê Ngô Cát, Q.3 |
Không có cơ hội đến trường, bỏ học sớm trẻ em dễ tham gia vào lực lượng lao động ở độ tuổi thấp so với độ tuổi lao động tối thiểu của Nhà nước quy định. Đây là một thực trạng phổ biến hiện nay.
Hàng chục ngàn trẻ em lao động trước tuổi
Theo thống kê của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, đến cuối tháng 6-2009, Việt Nam có trên 3 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải tự lao động kiếm sống. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em phải tự bươn chải kiếm cái ăn là do nghèo đói, không có điều kiện đến trường, chính vì vậy cơ hội đến với học nghề là rất thấp. Trẻ em Việt Nam vẫn còn nằm trong cái vòng luẩn quẩn đó là đói nghèo, bỏ học sớm, lao động phổ thông, thu nhập thấp, không thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đây là một vấn đề lớn thách thức toàn xã hội. Chúng ta dễ dàng thấy rằng, trẻ em tham gia lao động ở vùng nông thôn có tỷ lệ cao hơn so với khu vực thành thị do trẻ em ở nông thôn thường xuyên gặp phải những rủi ro tác động như điều kiện xấu trong lao động nông nghiệp như thiên tai, dịch họa tác động.
Nhiều gia đình ở những vùng nông thôn nghèo khó mong muốn con mình đến các thành phố lớn để kiếm sống mà họ không ý thức được những rủi ro trong cuộc sống có thể xảy ra với con mình. Nguy hiểm hơn, lao động trẻ em lang thang ở các thành phố lớn thường dễ rơi vào cạm bẫy của xã hội, dễ tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu như trộm cắp, cướp bóc, hút chích và mại dâm.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã điều tra và đưa đến kết luận phần lớn trẻ phải bỏ học đi làm từ rất sớm thường là lao động nông nghiệp ở những vùng nông thôn. Theo một thống kê chưa đầy đủ Việt Nam có khoảng 10.000 trẻ em làm những công việc nặng nhọc, môi trường làm việc độc hại và trên 10.000 trẻ phải lang thang kiếm sống bằng đủ các nghề như bán hàng rong, bán vé số, nhặt ve chai, đánh giày… Ở những tỉnh, thành lớn, lao động trẻ em thường làm những công việc như giúp việc nhà, trông trẻ, bán hàng. Không có điều kiện ràng buộc nào giữa người lao động và người sử dụng lao động nên lao động trẻ em bị bóc lột thậm tệ, lạm dụng về sức khỏe và thời gian lao động. Trẻ em lao động thường bắt đầu ngày làm việc từ 5 giờ và kết thúc vào 13 giờ, thường là không có ngày nghỉ, cơ hội vui chơi, giải trí hầu như không có. Ở những môi trường làm việc như vậy lao động trẻ em còn có nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao.
Tạo cơ hội cho trẻ em thông qua giáo dục
Từ thực rạng trên, từ gần chục năm qua, ILO đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam vận động nâng cao nhận thức về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em, tạo cơ hội cho lao động trẻ em được học văn hóa, học nghề. Tuy nhiên vì những lý do khách quan, không phải bất kỳ lao động trẻ em nào cũng có cơ hội tiếp cận với việc học.
Giám đốc ILO Việt Nam, bà Rie Vejs Kjeldgaard nói: “Chuyện con cái của mình không được học hành đến nơi đến chốn là chuyện không ai muốn nên không thể đổ lỗi cho gia đình và bản thân các em. Để có được một tương lai tốt đẹp cho các em, chấm dứt tình trạng lao động trẻ em, không ai khác ngoài chúng ta, đó là các tổ chức, đoàn thể xã hội phải có trách nhiệm và tạo cơ hội cho các em thông qua chương trình giáo dục. Để tạo được một việc làm bền vững và ổn định khi trẻ trưởng thành, trẻ em phải được giáo dục”.
Tuổi tối thiểu được làm việc trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được dưới 15 tuổi đã được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quy định tại Công ước 138. Song, ở Việt Nam lao động trẻ em vẫn còn tồn tại. |
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2004 về việc phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại giai đoạn 2004-2010. Đây là một việc làm có tính chiến lược lâu dài nhằm xây dựng cho các em có một cuộc sống tốt hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em là một việc làm không dễ trong một sớm một chiều. Thực tế lâu nay, khi lao động trẻ em bị bóc lột, bị đánh đập dã man hoặc bị xâm hại tình dục được báo chí phản ánh thì cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra, xử lý. Điều này xuất phát từ quy trình quản lý, hệ thống bảo vệ trẻ em chưa thật sự đồng bộ và hiệu quả.
Thanh Diệu
Bình luận (0)